Đáng nói hơn, nơi đây đã từng xảy ra các vụ tai nạn thủy, các cây dừa được đóng lô nhô dưới mặt nước có hình chữ V chắn án giữa dòng sông Cái Lóc như một cái bẫy nguy hiểm với người và phương tiện tham gia giao thông. Vào thời điểm này, khi thủy triều dâng cao, bãi cọc này nằm ẩn dưới nước rất dễ gây tai nạn, tính mạng của người dân đang bị đe dọa…
Tai nạn thủy rình rập
Sự việc bắt đầu được phát hiện vào khoảng 3 giờ sáng 12-10-2019, ông Huỳnh Văn Thanh Hiền (48 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Tân Phú, tỉnh An Giang), điều khiển chiếc ghe BKS ĐT-11700 chở hơn 26 tấn lúa hướng từ Trà Vinh về Đồng Tháp.
Khi đến bãi cọc dừa này, trời tối, không thấy biển báo nên ông Hiền vẫn cho ghe chạy bình thường thì bất ngờ bị vướng cọc ngầm, chiếc ghe từ từ bị nghiêng và nước tràn vào. Lúc này, trên ghe chỉ có hai vợ chồng ông Hiền nên truy hô những người đi câu, đánh cá đến cứu giúp đưa vào bờ, may mắn thoát chết.
Ông Hiền bức xúc: “Khi ghe bị sự cố không biết lý do gì. Đến sáng, thủy triều xuống, nước dần rút thì mới tá hỏa vì ghe chúng tôi đâm phải cọc dừa ngầm. Không chỉ vậy, có hàng trăm cây được đóng thành hai hàng ra gần giữa sông Cổ Chiên, rất nguy hiểm”.
Theo người dân nơi đây, khi bãi cọc dừa hàng trăm cây được đóng dưới sông, mà chỉ có vỏn vẹn vài cái bao hay bọc nilon treo lên làm biển báo nhưng đã rách nát, rất nguy hiểm mỗi khi trời tối hay mưa giông. Sau này, có gắn thêm mấy cái đèn cảnh báo nhưng đêm tối, phương tiện lưu thông khó phát hiện kịp thời, nhất là mùa mưa bão năm nay.
Ông Lê Văn Mười, ngụ ấp An Hương 2, xã Mỹ An, cho biết: “Bãi cọc dừa ngoài sông rất nguy hiểm, như cái bẫy người tham gia giao thông đường thủy như chúng tôi. Từ khi có bãi cọc này, đã xảy ra rất nhiều trường hợp các phương tiện tham gia giao thông vướng vào bị chìm hoặc hư hỏng. Ngay như tôi là người địa phương, ghe của tôi mới mấy bữa nay cũng bị vướng hư hỏng huống chi là người ở tỉnh khác đi ngang qua. Khi xảy ra sự việc, ai cũng thấy bãi cọc ngầm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng người dân”.
Qua tìm hiểu, chủ nhân thi công bãi cọc ngầm gần giữa sông Cổ Chiên này là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long do ông Lê Văn Hậu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 1500999180, ngày 4-3-2019, cơ quan đăng ký: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long; Địa chỉ trụ sở chính: Lầu 1, số 64R, đường Phan Văn Đáng, khóm 5, phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Diện tích thuê 80.000,1m2, loại đất nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng đến ngày 13-5-2069, với hình thức nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm.
Sau sự cố chìm ghe, lúc 16 giờ chiều 13-8-2019, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Long, tiến hành khảo sát trên tuyến sông Cổ Chiên, phát hiện công trình thi công đóng cọc dừa (250 cọc dừa) để gia cố đê bao nuôi cá trên thủy phận sông Cổ Chiên thuộc ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, khu vực thi công chưa lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định nên đã tiến hành lập biên bản sự việc và đưa ra hướng khắc phục.
Qua làm việc, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long có kết luận, yêu cầu: Ông Huỳnh Hoàng Hiệp, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long ngừng thi công đóng cọc bằng cọc dừa và thanh thải những cọc dừa đã đóng và hoàn chỉnh thủ tục xin phép mới được thi công đóng cọc dừa để gia cố đê bao nuôi cá.
Đồng thời, công ty lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu đường thủy theo quy định có hiệu lực cả ngày lẫn đêm, phòng ngừa tai nạn. Mọi sự cố tai nạn liên quan khu vực thi công công trình, công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Đóng cọc dừa không phép
Ngày 14-10-2019, Cục Đường thủy nội địa phía nam ban hành Công văn số 1332/CĐTNĐ-QLHT về việc doanh nghiệp tự ý đóng cọc dừa trái phép và đã gây tai nạn trên sông Cổ Chiên thuộc địa phận ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đến ngày 18-10-2019, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít ban hành Công văn số 929/UBND-KTN về việc thanh thải các cọc dừa của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Vĩnh Long.
Ngày 10-1-2020, UBND huyện Mang Thít tổ chức cuộc họp bàn về phương án xử lý việc tự ý đóng cọc dừa trái phép của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Tham dự cuộc họp, có lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía nam, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo các ngành huyện: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế và Hạ tầng, Chủ tịch UBND xã Mỹ An và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long.
Cuộc họp kết luận, việc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long đóng cọc dựa trên sông Cổ Chiên thuộc địa phận ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản trên phần đất thuê khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không đúng theo quy định pháp luật.
Đến ngày 28-2-2020, nếu không có ý kiến bằng văn bản cho phép của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long phải thực hiện thanh thải toàn bộ số cọc dừa đã đóng.
Tuy nhiên, bất chấp ý kiến chỉ đạo hay kết luận của cuộc họp, công ty vẫn ngang nhiên giữ nguyên hiện trường, tạo thành cái bẫy gây nguy hiểm với người và phương tiện khi đi ngang qua đoạn này.
Cơ quan chức năng cũng bó tay
Mãi đến ngày 18-9-2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải có công văn chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Vĩnh Long tiếp tục thực hiện đóng cọc dừa trên.
Công văn cho rằng, vị trí, phạm vi nuôi trồng thủy sản của công ty không chồng lấn vào luồng đường thủy nội địa quốc gia trên song Cổ Chiên qua khu vực.
Công văn này khiến người dân nơi đây càng bức xúc hơn khi công ty tiến hành đóng thêm hàng cọc nữa vì được cho phép.
Người dân cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã cấp phép cho cộng ty một cách vô tội vạ. Nơi cấp phép nằm ngay ngã ba sông, giữa vàm Cái Lóc và sông Cổ Chiên, liên tục có ghe tàu qua lại mỗi ngày, bãi cọc ngầm sẽ gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, công văn cũng yêu cầu, trước khi triển khai thực hiện, công ty phải thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan theo quy định pháp luật về nuôi trồng thủy sản, điện mặt trời; đánh giá tác động môi trường theo quy định và tổ chức đánh giá những ảnh hưởng đến an toàn giao thông, như: phương án điều tiết giao thông, lắp đặt biển báo và tổ chức công tác rà quét, thanh thải vật chướng ngại phát sinh trong quá trình thi công…
Chủ tịch UBND xã Mỹ An, Nguyễn Văn Vũ, bức xúc: “Phía công ty đã có giấy phép rồi, tuy nhiên, địa phương chúng tôi cũng rất lo, do từ nhiều tháng qua, bãi cọc dừa này đã ám ảnh người tham gia giao thông. Nhiều trường hợp tai nạn đã xảy ra. Mong rằng, phía công ty sớm khắc phục những hạn chế, tránh rủi ro, thiệt hại về người và tài sản của người tham gia giao thông.
Bà Trần Thị Hiền, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mang Thít, nói: “Trước kia, công ty đóng cọc đã vi phạm vì chưa có giấy phép. Nay, công ty đã có giấy phép của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Chúng tôi sẽ kiểm tra thường xuyên, yêu cầu công ty hoàn tất các thủ tục, nhất là gắn các biển báo hiệu để người dân lưu thông nhận biết. Việc thửa đất được cấp ngay ngã ba vàm Cái Lóc thì chúng tôi không có trách nhiệm vì do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cấp, chúng tôi chỉ là người quản lý sau này”.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Từ nhiều tháng qua, người dân phản ánh và cơ quan chức năng cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện những cọc dừa rất nguy hiểm cho giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, nơi cọc dừa không nằm trong quản lý thuộc thẩm quyền của thanh tra. Đây thuộc quyền quản lý đất bãi bồi của huyện. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng cùng nhau phối hợp, sớm xử lý dứt điểm bãi cọc nguy hiểm này, tạo an toàn cho người dân khi lưu thông”.