Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình

NDO - Tham gia thảo luận ở hội trường chiều 26/10 về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong phiên họp ở hội trường chiều 26/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong phiên họp ở hội trường chiều 26/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Góp phần thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, chống hành vi bạo lực gia đình

Điều 11 của dự thảo Luật nêu rõ, thành viên gia đình có trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện các biện pháp về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhận định việc ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Trong đó, kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chính xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, 80% nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ và 87,1% trong số đó đã chọn giải pháp im lặng.

Bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 26/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại biểu Tám đề nghị cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình trong việc báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ngay khi có hành vi bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, việc bổ sung này có thể sẽ chưa đạt được kết quả như mong đợi khi luật có hiệu lực, tuy nhiên, nó sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hằng ngày của người bị bạo lực gia đình và thành viên của gia đình, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về một trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa như một công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác với cơ quan chức năng về hành vi bạo lực gia đình mà mình phát hiện hoặc khi đã làm hết trách nhiệm được quy định tại các khoản của điều này mà không thể góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực trong gia đình.

“Tôi cho rằng đây là kênh thông tin quan trọng để góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống các hành vi bạo lực gia đình” – đại biểu Trang nói.

Bảo đảm không để lọt hành vi vi phạm

Cho ý kiến về nội dung hành vi bạo lực gia đình, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh để phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định cho được, xác định cho đúng, xác định cho đủ hành vi bạo lực gia đình.

Bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình ảnh 2

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tham chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và Nghị định số 144/2021 của Chính phủ, đại biểu cho rằng 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật là chưa đủ bao quát, dễ bỏ sót, lọt các hành vi vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Hà đề nghị bổ sung thêm 5 nhóm hành vi, gồm: hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của thành viên gia đình, như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình lập hội, hội họp hợp pháp; hành vi xâm phạm quyền sở hữu của các thành viên gia đình như chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng tài sản; hành vi bạo lực về tâm lý, kinh tế như cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, kích động tình dục, lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình, ép buộc thành viên gia đình làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

Cùng với đó là hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như: từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra còn có hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) bày tỏ tán thành với việc quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình trong Điều 3 của dự thảo Luật, qua đó tạo thuận lợi cho việc nhận diện và xử lý các hành vi bạo lực gia đình.

Bổ sung trách nhiệm của thành viên gia đình trong báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dù bao quát đến đâu cũng không thể quy định dự kiến hết các hành vi bạo lực gia đình diễn ra trong thực tiễn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật nội dung: các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có biểu hiện rõ ràng và có đầy đủ các dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình thì được coi là hành vi bạo lực gia đình.

“Quy định như vậy có tính bao quát, vì trong quá trình áp dụng thực hiện luật sau khi được thông qua có những hành vi mà chúng ta không lường hết được trong luật, nhưng có quy định như vậy thì chúng ta vẫn có căn cứ để xử lý những hành vi rõ ràng xác định là hành vi bạo lực gia đình” - đại biểu Thắng nhấn mạnh.