Tăng cường hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Luật được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Sau gần 15 năm thực hiện, luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ ba phụ nữ thì có gần một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Không chỉ có bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua.

Tăng cường hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình ảnh 1
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Vừa qua, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và dự kiến sẽ xem xét và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4. Tại phiên họp, Thường trực

Ủy ban Xã hội cho rằng, quá trình xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Đóng góp ý kiến vào dự án luật nêu trên, các đại biểu cho rằng, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý các vụ việc bạo lực gia đình khá phức tạp. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thật sự bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải rời khỏi nhà, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, có thể cả người cao tuổi cho nên dẫn đến việc nạn nhân có thể chịu “bạo lực kép” từ gia đình và cả xã hội.

Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm thủ tục, quy trình báo cáo các vụ việc bạo lực gia đình theo hướng đơn giản để người bị bạo lực dễ tiếp cận, đồng thời bảo vệ được quyền riêng tư; cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp phòng ngừa cho tương xứng với nguyên tắc của điều luật, xây dựng và thể hiện rõ nét chính sách phòng ngừa trong bạo lực gia đình. Chúng ta cần nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái để họ có thể hiểu được các quyền và có kỹ năng cần thiết phòng, chống bạo lực gia đình.

Toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về vấn đề này để bạo lực gia đình không còn là điều phải che đậy và những người phụ nữ chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ; xóa bỏ phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định, bảo đảm sự tiếp cận công bằng đối với phụ nữ và trẻ em gái.