Bộ Quốc phòng sơ kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Ðại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số sáu tháng đầu năm 2024, do Bộ Quốc phòng tổ chức. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 48 điểm cầu trong toàn quân.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số sáu tháng đầu năm 2024 của Bộ Quốc phòng.
Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số sáu tháng đầu năm 2024 của Bộ Quốc phòng.

Ðại tướng Phan Văn Giang khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số cùng nhiều nội dung, nhiệm vụ với quyết tâm cao, sự vào cuộc của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân và đã đạt được kết quả tích cực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sáu tháng đầu năm 2024. Nhấn mạnh sáu tháng cuối năm 2024, nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng tiếp tục đặt ra các mục tiêu, yêu cầu cao, đồng chí yêu cầu ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số các cấp, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, khắc phục hạn chế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch năm 2024.

Cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về nội dung, tính tất yếu, hiệu quả của cải cách hành chính và chuyển đổi số; nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính nội bộ và xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng số phục vụ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số...

Bộ Quốc phòng sơ kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024 ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

* Sáng 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng ghi nhận, sau phiên họp lần thứ nhất, các thành viên Tổ công tác đã hoàn thành 9 trong tổng số 16 nhiệm vụ được giao, tiếp tục triển khai bảy nhiệm vụ còn lại theo đúng kế hoạch, với cách làm khoa học, cụ thể, thiết thực, hiệu quả, rõ trách nhiệm. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội, tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên sớm hơn tiến độ đề ra.

Về hai đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng yêu cầu có sự thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách chung, đồng thời tính đến đặc thù của địa phương (quy hoạch xây dựng, không gian phát triển, dự báo tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số...). Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải kết nối đồng bộ với đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, bao gồm: Nhà ga, quy chuẩn thiết kế kỹ thuật đường ray, đầu máy, toa xe, hệ thống điều hành... “Hai thành phố cần lựa chọn được những đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu để hoàn thiện, thẩm định quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với tầm nhìn trăm năm”, Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có mạng lưới tàu điện ngầm phát triển, hiện đại.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 30 tỉnh, thành phố nghe báo cáo, đóng góp ý kiến cho dự thảo Quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự thảo Quyết định kế thừa, phát triển những nội dung tại Quyết định số 63/2015/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; sửa đổi những quy định chưa phù hợp; bổ sung các quy định bảo đảm tính khả thi, dài hạn trong tổ chức thực hiện và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người có đất thu hồi được tham gia và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Ðối tượng áp dụng của Quyết định là những người có đất nông nghiệp, đất kinh doanh bị thu hồi...

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý đến đối tượng có đất thu hồi là đất ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ; rà soát trường hợp “các hộ chia tách từ hộ gia đình có đất thu hồi”, những người sống phụ thuộc vào người lao động để không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ; làm rõ tiêu chí, điều kiện để đối tượng được tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo cho từng trình độ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng), tìm việc làm; để biên độ điều chỉnh kinh phí hỗ trợ đào tạo phù hợp để tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương; giữ lại chính sách tín dụng với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình có đất thu hồi. Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xin ý kiến các thành viên Chính phủ về phương án nguồn hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ, ngân hàng chính sách, kinh phí sự nghiệp hoặc lấy từ tổng kinh phí trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Bộ Quốc phòng sơ kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024 ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Đề án tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp tại vùng đất "Chín Rồng"... (Ảnh: VGP)

* Sáng 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ triển khai Ðề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã chủ động triển khai Ðề án, bước đầu mang lại những kết quả rất tích cực, thể hiện qua các chỉ số như năng suất tăng, chi phí giảm, lợi nhuận tăng từ các mô hình thí điểm trên cơ sở kế thừa thành tựu từ Dự án VnSAT và một loạt dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức phi chính phủ. Ðồng tình với các ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Trung ương, địa phương, người nông dân và doanh nghiệp trong triển khai Ðề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giữ vai trò điều phối, chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Nhấn mạnh còn nhiều việc cần triển khai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức triển khai, sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ, nội dung công việc. Về dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ phải làm rõ các hạng mục đầu tư, nội dung công việc, bảo đảm thống nhất, không trùng lắp, không chồng chéo với những nội dung đã và sẽ được các dự án phát triển bền vững vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO) đầu tư; bảo đảm phù hợp các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt...