Bỏ khung giá đất góp phần giải quyết tắc nghẽn trong đền bù giải phóng mặt bằng

NDO - Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh việc dự thảo Luật bỏ quy định về khung giá đất là cần thiết để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải phóng mặt bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên họp chiều 14/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên họp chiều 14/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó các nội dung liên quan đến giá đất như bảng giá đất, phương pháp định giá đất, thẩm định giá đất nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Quy định cụ thể về quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá đất

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí hoan nghênh Quốc hội quyết định sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vốn đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Về việc bỏ khung giá đất, đại biểu nêu rõ đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, góp phần giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa.

Đại biểu Trí đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để dù bỏ khung giá đất nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả.

Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất.

Bỏ khung giá đất góp phần giải quyết tắc nghẽn trong đền bù giải phóng mặt bằng ảnh 1

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) phát biểu trong phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Có chung quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đánh giá việc bỏ quy định khung giá đất chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá trị thị trường là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử.

Đại biểu đề nghị giải thích rõ cụm từ “phù hợp với giá trị thị trường” tại điểm c khoản 1 Điều 163 của dự thảo Luật, vì hiện nay việc xác định giá đất phù hợp với giá trị thị trường gặp nhiều khó khăn do cơ sở dữ liệu về giá đất chưa đầy đủ, giá đất luôn biến động.

Ngoài ra, cần quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong xác định giá đất.

Về Hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu Hảo đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về cơ chế hoạt động độc lập của Hội đồng thẩm định và các thành viên của Hội đồng; tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng là các chuyên gia tư vấn độc lập; đồng thời xác định quyền, trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng trong việc đưa ra ý kiến thẩm định giá đất.

Bảo đảm công khai, minh bạch trong xây dựng bảng giá đất

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, khoản 1 Điều 164 dự thảo Luật nêu rõ: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm.

Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất; được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất.

Đại biểu nêu rõ trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

“Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể, sát, đúng” – đại biểu Ngọc khẳng định.

Bỏ khung giá đất góp phần giải quyết tắc nghẽn trong đền bù giải phóng mặt bằng ảnh 2

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho ý kiến về nội dung bảng giá đất. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.

Tham gia thảo luận về nội dung bảng giá đất, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng việc giao thẩm quyền tham mưu xây dựng bảng giá đất hằng năm cho Sở Tài nguyên và Môi trường là chưa phù hợp. Thay vào đó, nên giao thẩm quyền này cho Sở Tài chính, vì với chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm của mình thì ngành tài chính sẽ làm tốt hơn, chính xác hơn và bảo đảm phù hợp với dự án Luật Giá mà Quốc hội vừa xem xét, cho ý kiến.

Đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cũng đồng tình với quan điểm giao thẩm quyền tham mưu xây dựng bảng giá đất cho Sở Tài chính, vì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 166 của dự thảo Luật, Giám đốc Sở Tài chính là thường trực Hội đồng thẩm định giá đất.