Hội thảo cung cấp nhiều ý kiến sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn để Ủy ban Pháp luật thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, góp phần quan trọng và thiết thực trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) khả thi, thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khuôn khổ pháp lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản là “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới…”.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam phát biểu, Luật Đất đai là luật có ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống kinh tế-chính trị và xã hội của đất nước. Nó tạo nền tảng pháp lý cho một loạt các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, hay những luật điều chỉnh lĩnh vực xây dựng, quy hoạch và kết cấu hạ tầng, và thậm chí là Luật Quản lý đê điều. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát Luật Đất đai với 112 luật khác có liên quan. Điều này có nghĩa là việc sửa đổi Luật Đất đai lần này không chỉ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, mà còn giải quyết những vướng mắc trong các luật có liên quan, góp phần nâng cao hành lang pháp lý của quốc gia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp về mối quan hệ và tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật, nghị quyết có liên quan, trọng tâm là các văn bản điều chỉnh lĩnh vực dân sự, nhà ở, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, các luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan trong quản lý, sử dụng đất đai ở trung ương và địa phương...
Trên cơ sở kết quả gợi mở của Hội thảo lần này, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức và các đối tượng có liên quan để rút ra những ý kiến đóng góp có giá trị, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.