Bộ Công thương hoàn thành vượt mức nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao

NDO - Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2022, Bộ Công thương đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị.

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành công thương.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, sản xuất công nghiệp nước ta trong năm 2022 đã có sự phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5-9%).

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so năm 2021; trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng.

Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành là 8%.

Ngoài ra, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Bộ Công thương hoàn thành vượt mức nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao ảnh 1

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh đọc báo cáo tại hội nghị.

Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được duy trì và thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao.

Duy trì, thúc đẩy hợp tác song phương với các nước đối tác lớn, các đối tác truyền thống nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, phát triển ngành công thương năm 2022 vẫn còn một số tồn tại. Đó là năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, nhất là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến ta vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.

Mặc dù, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn; tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo nền tảng cho thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 trong bối cảnh được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Bước sang năm 2023 ngành công thương phấn đấu, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 8-9% so với năm 2022; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với năm 2022.

Để thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng 8 nhóm giải pháp.

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; tập trung xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng.

Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất-kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm là, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Sáu là, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

Bảy là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế.

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.