Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì buổi làm việc, chứng kiến ký kết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật đối với dân tộc. Giáo hội Phật giáo các cấp và giới tăng, ni, phật tử tích cực tham gia công tác xã hội, thiết thực góp phần chia sẻ với chính quyền, cộng đồng, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.
Trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm hằng năm. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, trung bình mỗi năm xảy ra gần 20 nghìn vụ tai nạn giao thông làm chết 7 nghìn người, bị thương 16 nghìn người.
Trong đó, khoảng 70% người bị chết, người bị thương trong độ tuổi lao động, để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, nhiều bố mẹ mất con, con mất cha, mẹ, vợ mất chồng và hàng nghìn người phải vướng vào lao lý do gây ra tai nạn giao thông...
Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng kế hoạch phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2023-2026.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, việc vận động là hoàn toàn phù hợp với triết lý của Phật giáo. Việc hơn 20 nghìn cơ sở thừa tự, hơn 50 nghìn tăng, ni tham gia tuyên truyền cho các phật tử về bảo đảm an toàn giao thông, sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, nhằm giúp giảm tai nạn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.
Phát động chương trình Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023
Nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, mặc dù tai nạn giao thông thời gian vừa qua giảm xuống, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều, hầu hết những người bị tai nạn giao thông đều đang là trụ cột gia đình. Giảm bớt tai nạn giao thông không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định, Giáo hội Phật giáo sẽ cùng Cục Cảnh sát giao thông tuyên truyền chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho tăng, ni, phật tử cả nước, nỗ lực để cuộc sống ngày càng bình yên, hạnh phúc.
Ngoài tuyên truyền thường xuyên, Giáo hội Phật giáo có nhiều thời điểm cao điểm để tuyên truyền như: Trong các dịp lễ hội đầu năm, lễ cầu an, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, đặc biệt là mùa hè, các học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên tham gia khóa tu tại các cơ sở thờ tự. Đây là dịp rất tốt để tuyên truyền cho các cháu sống, làm việc theo pháp luật.
Theo đó, giai đoạn 2023-2026, hai bên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông bằng những thông điệp bảo đảm an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, bảo đảm toàn vẹn tính mạng con người theo giáo lý đạo Phật đến tăng, ni, phật tử trong cả nước.
Phối hợp khắc phục những bất cập về tình hình trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Triển khai xây dựng các mô hình “Tăng, ni, phật tử tham gia giao thông văn hóa-an toàn”, trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn trong cộng đồng Phật giáo.
Phối hợp tổ chức tập huấn cho tăng, ni trong cả nước làm công tác tuyên truyền, thuyết pháp; triển khai giảng dạy cho các phật tử, kết hợp trong các khóa tu truyền giảng Phật giáo trong năm, gắn các nội dung về an toàn giao thông trong các bài thuyết giảng Phật pháp.