Bộ Công an khuyến cáo các biện pháp phòng cháy nổ xe điện

NDO - Thời gian qua, trên thế giới và tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy xe điện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 
0:00 / 0:00
0:00
 Hiện trường vụ cháy đêm 12/7 tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hiện trường vụ cháy đêm 12/7 tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Xu hướng “xanh hóa” phương tiện giao thông là xu thế tất yếu, nhằm giảm gánh nặng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do vậy, xe điện hiện nay trở nên thịnh hành ở các nước phát triển như: Đức, Na Uy, Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…

Trước sự chuyển dịch như nêu trên, Việt Nam cũng không ngoại lệ, tỷ lệ người dân sử dụng xe điện (xe đạp điện, xe máy điện...) dần tăng cao trên khắp cả nước, nhất là các đô thị lớn.

Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện của xe. Thời gian qua, trên thế giới và tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy xe điện, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Điển hình như: Vụ cháy xe điện tại thành phố New York vào tháng 4/2023 làm 2 người chết; tháng 6/2023 làm 4 người chết; vụ cháy xe điện tại nhà dân tại khu phố Xuân Phú, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa xảy ra ngày 12/7/2023, làm 2 người chết…

Qua công tác điều tra các vụ cháy liên quan đến xe điện, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho thấy nguyên nhân chủ yếu do sạc điện ắc quy, pin của xe dẫn đến cháy.

Cụ thể như sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế. Chở quá tải, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.

Bên cạnh đó, việc sạc điện không đúng hướng dẫn, sạc trong thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt hoặc gần, bên trên các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ. Đồng thời, ắc quy, pin tự tỏa nhiệt mà không được thoát nhiệt cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin, gây cháy.

Khi sạc không ngắt khóa điện nguồn điện, vừa sạc và vừa xả điện. Một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy: Ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hoặc bị va đập, chuột cắn bị mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.

Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khuyến cáo người dân lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất; sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp. Sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn.

Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0 độ C đến 35 độ C, nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt. Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.

Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.

Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển.

Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.

Đối với xe ô-tô điện, cần sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô-tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...), hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.