Theo Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết, khả năng dầu vón cục trôi vào bờ từ sự cố xảy ra tại các giàn khoan khai thác dầu khí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, do dầu thải (cặn dầu FO) bị rò rỉ hoặc do các loại tàu lớn trên biển thải ra.
Nhiều ngày trước đó, nhiều dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển khu vực Mũi Né với chiều dài khoảng 4km, đoạn từ Khu du lịch Pandanus đến Khu du lịch Mũi Né Bay thuộc khu vực bãi sau (Gành) và đoạn từ Khu Du lịch Apec đến Khu Du lịch Suối Nước.
Lực lượng chức năng xử lý dầu vón cục tại bãi biển Mũi Né |
Theo ghi nhận, khu vực có nhiều dầu vón cục là dự án D&M đến Khu du lịch Mũi Né Bay và khu vực từ Khu du lịch Nguyệt Hằng đến Khu du lịch Suối Nước.
Để xử lý dầu vón cục, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết yêu cầu Ủy ban Nhân dân phường Mũi Né thực hiện khoanh vùng ngay khu vực có dầu tràn vào bờ đã vón cục để kiểm soát, thông báo cho người dân không đi lại, làm vùi lấp dầu gây khó khăn trong công tác thu gom.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân phường Mũi Né chủ trì, phối hợp Đồn biên phòng Mũi Né, các hội, đoàn thể, đoàn viên thanh niên, cán bộ công chức, người dân và các cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực có dầu tràn đã vón cục trôi vào bờ; thực hiện thu gom toàn bộ dầu vón cục lẫn cát, rác thải, vật dụng có dính dầu.
Tất cả được tập kết tại nơi có nền bê-tông tránh dầu nhiễm vào môi trường đất, môi trường nước ngầm và được che chắn không cho nước mưa tràn vào. Khu vực chứa, tập kết chất thải nguy hại phải bố trí bảng cảnh báo khu vực chứa chất thải nguy hại.
Dầu vón cục kéo dài hơn 4km |
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết yêu cầu Ban Quản lý Khu du lịch Hàm Tiến-Mũi Né thông báo đến chủ đầu tư của các khu du lịch: Sailing Bay Beach Resort, Mũi Né Bay, Gành Mũi Né, Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Pannanus, Malibu, Madam Cúc, Thùy Trang, Thùy Dương, Sò Xanh, Bảo Thạch, Suối Hồng và các cơ sở du lịch bị ảnh hưởng dầu tràn, đề nghị các đơn vị cử lực lượng tham gia, hỗ trợ phương tiện, thiết bị cùng địa phương thu gom dầu vón cục trôi vào bờ.