Ngay sau khi có thông tin khách hàng ngộ độc, theo yêu cầu của Công ty Du lịch Viettravel, nhà hàng Hồng Vinh đã chủ động gửi mẫu thực phẩm đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận đề nghị thẩm định, làm rõ nguyên nhân.
Các mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm gồm mực nhúm giấm, cá mặt quỷ nấu cà ri, hàu đút lò, lẩu hải sản, ghẹ hấp, ốc hương rang tiêu.
Kết quả kiểm nghiệm về Escherichia coli và Salmonella không có phát hiện vi khuẩn. Nếu những vi khuẩn này có trong thức ăn sẽ gây nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí ngộ độc thực phẩm.
Lực lượng chức năng đi kiểm tra các nhà hàng sau khi có vụ ngộ độc. |
Trước đó, tối 12/5, Công ty Du lịch Viettravel tổ chức ăn tối tại nhà hàng Hồng Vinh với gần 750 du khách. Sau kết thúc buổi tiệc, một số du khách tại resort Sealion đã mua hải sản đã chế biến từ bên ngoài vào khách sạn để ăn uống khiến hơn 50 bị ngộ độc.
Kết quả của nhà hàng Hồng Vinh. |
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Bình Thuận làm việc với nhà hàng Hồng Vinh để xác minh thông tin liên quan vụ bị ngộ độc, kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm của nhà hàng theo quy định.
Hiện nay, quy trình kiểm nghiệm để ra được kết luận liên quan đến ngộ độc thực phẩm khá phức tạp và thường ít nhất là 7 ngày mới có kết quả. Sở đang xin ý kiến của Cục An toàn thực phẩm để kết luận vụ việc.
Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản gởi các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc.
Theo đó, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các nhà hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, nhà hàng quán triệt, nâng cao nhận thức, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động và thực hiện nghiêm túc các quy định trong hoạt động sản xuất, chế biến thức ăn, thức uống phục vụ khách như: vệ sinh thường xuyên thiết bị, vật dụng nhà bếp, nhà hàng; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc; không sử dụng phẩm màu độc hại và các chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, xây dựng các quy định của đơn vị về phục vụ ăn uống để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách…
Các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các khu du lịch, lễ hội, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố…