Việc thành lập các cụm công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ; đồng thời, khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi trong quản lý, kiểm soát về môi trường.
Để doanh nghiệp "lạc nghiệp"
Theo thống kê, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh Bình Phước đạt gần 425.000 ha, trong đó cây cao su và điều đứng đầu cả nước. Cụ thể, cây cao su chiếm diện tích gần 245.000 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây điều có diện tích gần 152.000 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cà-phê gần 14.000 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu hơn 13.600 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước). Những năm gần đây, sản xuất, chế biến ngành điều của tỉnh được chú trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức liên kết phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của nông dân.
Ðơn cử, chuỗi điều hữu cơ có hơn 3.000 ha trong tổng số hơn 152.000 ha; chuỗi liên kết sản xuất điều có 15 hợp tác xã với diện tích gần 4.900 ha; chuỗi hợp tác vùng nguyên liệu với 8 doanh nghiệp tham gia đăng ký chỉ dẫn địa lý liên kết,... Mặt khác, Bình Phước được mệnh danh là "công xưởng" chế biến hạt điều của thế giới với 1.416 cơ sở, chiếm số lượng cơ sở chế biến hạt điều nhiều nhất cả nước, với 33 doanh nghiệp quy mô vừa, 115 doanh nghiệp nhỏ và 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ.
Bình Phước được mệnh danh là "công xưởng" chế biến hạt điều của thế giới với 1.416 cơ sở, chiếm số lượng cơ sở chế biến hạt điều nhiều nhất cả nước, với 33 doanh nghiệp quy mô vừa, 115 doanh nghiệp nhỏ và 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ.
Chế biến hạt điều chính là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh; mỗi năm đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của tỉnh đạt hơn 1,18 tỷ USD.
Tuy được mệnh danh là "công xưởng" chế biến hạt điều, nhưng đến nay, các doanh nghiệp chế biến hạt điều và một số loại sản phẩm từ nông nghiệp đang hoạt động tự phát; chưa đưa vào một hệ thống sản xuất như khu công nghiệp, cụm công nghiệp để quản lý về quy trình cũng như phát thải ra môi trường.
Từ thực tế đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, phát triển các khu, cụm công nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp, nhất là phát huy các lợi thế của tỉnh về nguồn lực đất đai và vị trí trong khu vực kinh tế trọng điểm Ðông Nam Bộ, tạo động lực thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bình Phước cũng gắn phát triển các khu, cụm công nghiệp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, tạo lợi thế so sánh để thu hút các dự án đầu tư có quy mô và chất lượng, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Bình Phước đã quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 1.828 ha đất cụm công nghiệp, chủ yếu phân bổ ở các huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, như thị xã Phước Long (100 ha), thị xã Bình Long (210 ha), huyện Bù Gia Mập (135 ha), huyện Lộc Ninh (210 ha), Bù Ðốp (130 ha), Hớn Quản (220 ha), Ðồng Phú (341 ha), Bù Ðăng (147 ha)... Bình Phước ưu tiên triển khai các dự án cụm công nghiệp một cách khả thi, hiệu quả; tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai và chỉ tiêu đất công nghiệp.
"Tỉnh xác định phát triển cụm công nghiệp vững chắc, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của địa phương; mỗi địa phương cấp huyện không quá ba cụm công nghiệp; chú trọng phát triển một số cụm công nghiệp chuyên ngành. Các khu, cụm công nghiệp đã được cấp phép và đầu tư hạ tầng sẽ được tỉnh tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa nguy cơ thiếu quỹ đất sạch do các diện tích cũ đã lấp đầy nhưng khu, cụm công nghiệp mới chưa triển khai thu hút đầu tư. Ðồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và khu vực Tây Nguyên", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuệ Hiền, với phương châm "Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh", chính quyền tỉnh đang nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và áp dụng cơ chế một cửa liên thông, một đầu mối tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục tại trung tâm hành chính công. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng "chính quyền điện tử" với phương châm hành động: "2 nhanh; 3 tốt" (nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt) và cam kết "luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp". Nhờ đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn chỉ bằng 1/3 thời gian quy định, đây là một trong những lợi thế thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12/15 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích cho thuê đất là 3.565 ha, thu hút được 410 dự án FDI với tổng số vốn là 4.244,58 triệu USD. Theo quyết định quy hoạch Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh có 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.828 ha. Bình Phước đã thành lập chín cụm công nghiệp với diện tích 452 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 75%. Hà Mỵ là một trong những cụm công nghiệp thành lập sớm nhất của tỉnh (năm 2011) nằm sát đường ÐT 714 (xã Tân Lập, huyện Ðồng Phú), tuyến huyết mạch nối Bình Phước với Bình Dương do Công ty cổ phần Hà Mỵ làm chủ đầu tư. Cụm công nghiệp được xây dựng trên diện tích 10 ha, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động đã lấp đầy diện tích.
Tân Tiến 1 và Tân Tiến 2 (xã Tân Tiến, huyện Ðồng Phú) là một trong những cụm công nghiệp được xây dựng nhanh nhất tỉnh Bình Phước do Công ty cổ phần đầu tư-bất động sản Thành Phương làm chủ đầu tư. Ðây là hai cụm công nghiệp có tổng quy mô hơn 113 ha, với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng nằm trong hành lang công nghiệp của tỉnh. Nhờ được đầu tư đồng bộ hạ tầng, cụm công nghiệp đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư các ngành nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Sản xuất sản phẩm phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc; sản xuất thuốc chữa bệnh, nguyên liệu thuốc kháng sinh; vật liệu xây dựng, hóa chất, hàng tiêu dùng, may mặc…
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư-bất động sản Thành Phương, hai cụm công nghiệp Tân Tiến 1 và Tân Tiến 2 khởi công ngay sau đại dịch Covid-19 cho nên gặp không ít khó khăn. Ðơn vị đã tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, tuân thủ các quy định pháp luật, đồng hành với các nhà đầu tư, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý và đơn vị đang tạo mọi điều kiện tốt nhất trong suốt quá trình xây dựng, vận hành và sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, một số vị trí tỉnh quy hoạch cụm công nghiệp và nhà đầu tư đang triển khai thực hiện các bước thì vướng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ cho nên phải dừng. Do đó, tỉnh Bình Phước cần thêm nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành khoanh vùng quy hoạch khoáng sản phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh để không bị chồng chéo trong quy hoạch.