Quy mô Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành từ đường Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 60,4km; trong đó đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước dài khoảng 53,3km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1km.
Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với lộ giới 60m và đầu tư đường cao tốc hoàn thiện có 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp và bao gồm các nút giao.
Dự án có đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ đường Vành đai 3 đến cầu Khánh Vân, phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, có chiều dài khoảng 7,7km được giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, có tổng bề rộng nền từ 36m-38m (giữ quy hoạch với lộ giới 60m).
Đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước có chiều dài khoảng 45,6km được giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60m) và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến); có đầu tư đường gom khoảng 9,15km không liên tục.
Giai đoạn 2 của dự án được đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc cho đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương-Bình Phước với chiều dài khoảng 53,3km.
Địa điểm đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 bao gồm: thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng.
Việc thực hiện Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 dự kiến theo phương thức đối tác công tư (PPP) (hợp đồng BOT: xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Tổng mức đầu tư dự án đoạn qua tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 dự kiến khoảng 16.196 tỷ đồng; trong đó giải phóng mặt bằng 7.388 tỷ đồng và xây lắp 8.808 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư PPP và vốn khác. Dự kiến thời gian thực hiện đầu tư hoàn thành dự án trước năm 2030.
Đối với các đoạn còn lại của tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, với đoạn dẫn cao tốc chưa đầu tư từ Gò Dưa (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đến ngã 3 Độc Lập (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) dài khoảng 2km, trong đó đoạn thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 1,65km sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu thực hiện; đoạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 0,35km sẽ do tỉnh Bình Dương nghiên cứu thực hiện.
Đối với đoạn dẫn cao tốc từ ngã 3 Độc Lập đến đường Vành đai 3, tỉnh Bình Dương nghiên cứu thực hiện một số giải pháp kỹ thuật trên tuyến như: xây dựng cầu vượt, hầm chui qua các đường ngang, đường nhánh, hạn chế giao cắt nhằm nâng tốc độ khai thác đoạn tuyến này trong giai đoạn tiếp theo.
Đoạn cao tốc của dự án qua địa bàn tỉnh Bình Phước do Thủ tướng Chính phủ giao đơn vị, địa phương (Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước) có đủ điều kiện, thẩm quyền làm chủ đầu tư thực hiện bằng phương thức đầu tư công theo quy mô đồng bộ với đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thông qua Nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cũng thống nhất giao Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức PPP.
Cùng Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cũng thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên-sông Sài Gòn (giai đoạn 1).
Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Điểm đầu của dự án tại vị trí nối đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối tuyến của dự án đến sông Sài Gòn thuộc xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Tổng chiều dài dự án khoảng 47,85km, quy mô dự án là đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2026.