Đề xuất mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương lên 8 làn xe

NDO - Ngày 26/7, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư mở rộng (giai đoạn 2) dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương lên 8 làn xe.
0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương lên 8 làn xe

Liên quan nguồn vốn thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An kiến nghị chủ trương thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành trước năm 2025.

Trong trường hợp đầu tư dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) để phát huy nguồn vốn xã hội hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đề xuất cơ chế cho phép đấu thầu quyền thu phí trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương giai đoạn 1, để tạo nguồn vốn cho phần vốn góp từ ngân sách nhà nước tham gia giai đoạn 2 bảo đảm tỷ lệ theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương có tổng chiều dài 61,9km, gồm gần 40km đường cao tốc (trong đó, đoạn qua Long An dài 28,5km) và các tuyến nối dài 22,1km, quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp.

Đề xuất mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương lên 8 làn xe ảnh 1

Dự án được phân kỳ, quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 9.844 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước. Theo đánh giá, hiện nay tuyến cao tốc này đã quá tải với lưu lượng xe tăng rất mạnh (hơn 50 nghìn lượt xe/ngày đêm).

Sau khi dừng thu phí (năm 2019), tuyến cao tốc này đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn bảo đảm do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế (60-70km/giờ), thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, không bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống cao tốc trong khu vực.

Đặc biệt, do tuyến đường chỉ mới đầu tư 4 làn xe cao tốc, không có 2 làn dừng khẩn cấp, đã tạo thành “nút thắt cổ chai” trong kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ.

Ngoài ra, theo chủ trương của Chính phủ về đẩy nhanh đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc như Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, An Hữu-Cao Lãnh... trong giai đoạn 2021-2025 thì áp lực giao thông trên đoạn đường này ngày càng lớn.

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông khi lưu lượng xe đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương ngày càng tăng cao, sự kết nối liên vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao hiệu quả của tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương giai đoạn qua địa bàn tỉnh Long An với quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.

“Về quỹ đất, trước đây, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Long An đã phối hợp, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp hoàn chỉnh. Việc rào chắn bảo vệ mặt bằng và công tác quản lý quỹ đất đã được tỉnh quan tâm, thực hiện tốt, sẵn sàng để thi công dự án theo quy hoạch được duyệt”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm khẳng định.

Trước đó, đánh giá lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương rất lớn, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm đến nay không đáp ứng với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố liên quan thống nhất phương án đầu tư mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Hình thức đầu tư dự án được đề xuất theo phương thức PPP và giao cho một địa phương (UBND tỉnh) nơi có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.