Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra còn có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, 11 huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thông tin, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch so với kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trình bày báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2023 tại hội nghị. |
Trong đó, đáng chú ý, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch (7-7,5%), xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền trung. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ, thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền trung.
Năm 2024 được dự báo có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và kinh tế-xã hội trong nước vẫn còn những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định đây là năm bản lề, tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm quyết định kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các sở, ban ngành cần nỗ lực hơn nữa để giữ vững các mục tiêu tăng trưởng. |
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân giao chi tiết chỉ tiêu kế hoạch đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt có định hướng cụ thể đến UBND cấp xã. Trong đó, ngoài 21 chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã bổ sung 11 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đối với cấp tỉnh và giao chi tiết 17 chỉ tiêu kế hoạch đến cấp huyện, thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể. Các chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng không thấp hơn chỉ tiêu HĐND, UBND tỉnh giao và có giải pháp trọng tâm, đột phá, tạo dư địa cho năm tiếp theo để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nỗ lực hơn nữa, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Từ đó phát huy tính năng động, tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt với tinh thần “bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2024.
Tại hội nghị, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thực hiện thống nhất việc chỉ đạo, điều hành bằng hệ thống chỉ tiêu, số liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Đặc biệt, cần duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại hội nghị. |
Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; phát huy các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Kêu gọi đầu tư, xây dựng các Nhà máy chế biến gia súc, gia cầm, thực phẩm, nông sản, lâm sản, thủy sản… cũng như triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới năm 2024.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ thực hiện nhanh các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo… tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp giá trị vào sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI).
Qua đó triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, cũng như tổ chức các chương trình kích cầu thương mại du lịch bằng cách quảng bá, xúc tiến và phát triển thị trường khách du lịch đến tỉnh, nhất là khách du lịch quốc tế; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Đặc biệt, tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thực hiện đạo đức công vụ và triển khai quyết liệt kế hoạch chuyển đổi số; từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.