Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã trình bày tham luận nhằm tìm ra các phương hướng khả thi tạo nên bước phát triển đột phá cho các tỉnh trong vùng.
Các đại biểu đưa ra thảo luận các vấn đề liên kết vùng, phát huy thế mạnh của từng địa phương; các vấn đề về phát triển năng lượng, quy hoạch vùng, kết nối giao thông, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao…
Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ như: Liên kết đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương trong vùng đến tiêu thụ tại các thị trường lớn ngoài vùng, nhất là khu vực Tây Nguyên, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế biển và một số ngành, nghề khác.
Cùng với đó là phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá để chia sẻ thông tin, tạo liên kết trong việc khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; liên kết phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh; phối hợp trong đào tạo nhân lực, điều tiết, sử dụng lao động, nhất là lao động trong các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò hết sức quan trọng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh…
Trên cơ sở thực tiễn, các địa phương trong vùng cần nghiên cứu thành lập các tiểu vùng liên kết theo vị trí địa lý hoặc theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực; tham mưu Chính phủ ban hành quy hoạch vùng và phương án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng, tránh đầu tư dàn trải, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển bền vững các ngành, nghề trọng điểm...
Hội đồng Điều phối vùng và các đại biểu. (Ảnh NGỌC HÒA) |
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Hội đồng điều phối vùng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hoạt động bảo đảm triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các địa phương trong vùng cần chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để thống nhất phương án hợp tác thiết thực; tạo động lực cùng nhau phát triển, tránh đầu tư cơ sở hạ tầng chồng chéo gây lãng phí, tránh sự cạnh tranh, xung đột lợi ích…
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố; có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế...
Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.