Quảng Nam cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển

NDO - Chiều 10/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về kết quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh; Kết quả triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Dự và làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các đồng chí: Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Quảng Nam cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu báo cáo tình hình quy hoạch, phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 40 dự án thủy điện có trong quy hoạch (gồm 10 dự án thủy điện bậc thang 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ) với tổng công suất thiết kế là 1.775,26MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 6.183,07 triệu kWh. Đến nay, có 29 công trình thủy điện trong quy hoạch (gồm 10 công trình thủy điện bậc thang và 19 công trình thủy điện vừa và nhỏ) đã vận hành phát điện, với tổng công suất thiết kế 1.574,36MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.503,63 triệu kWh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 4 công trình thủy điện nhỏ (có từ lâu) không thuộc quy hoạch với tổng công suất là 8,9MW.

Đến nay 18/18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có điện; có 241/241 xã, phường, thị trấn có điện, chiếm tỷ lệ 100%; có 1.229/1.241 thôn có điện, chiếm tỷ lệ 99,03%; có 416.096/418.648 hộ dân có điện, chiếm tỷ lệ 99,39%.

Tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 7.350,17 triệu kWh, tăng 39,98% so với năm 2021; tổng sản lượng điện thương phẩm (tiêu thụ) năm 2022 là 2.433,2 triệu kWh, tăng 10,9% so với năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016-2021 10,3%/năm; trong đó, ngành nông lâm-thủy sản tăng trưởng 22,8%/năm, công nghiệp-xây dựng tăng trưởng 12,8%/năm, quản lý-tiêu dùng dân cư tăng trưởng 8,5%/năm, thành phần khác tăng trưởng 13,2%/năm, thành phần thương mại-dịch vụ tăng 3,9%/năm. Tổng lượng điện tiêu thụ năm 2022 trên địa bàn tỉnh 2,433 tỷ kWh; dự kiến tổng lượng điện tiêu thụ năm 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng 2,95 tỷ kWh.

Tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh cả năm 2022 đạt 7,35 tỷ kWh (đạt 139,98% so với cùng kỳ năm 2021). Giai đoạn 2016-2021, các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia được 24,90 tỷ kWh, bình quân 4,15 tỷ kWh/năm. Dự kiến, đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh sẽ là 1.985MW, trong đó có 30MW từ điện than, còn lại là từ nguồn thủy điện.

Quảng Nam cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển ảnh 2

Hồ chứa nước Thủy điện Sông Tranh 2.

Theo báo cáo của tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, ước giảm 9,2% so cùng kỳ 2022. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, thuộc nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch toàn tỉnh ước đạt 4.566 nghìn lượt khách, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 30/6, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so cùng kỳ năm 2022, xếp vị thứ 3/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (sau tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi) và xếp vị thứ 2/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền trung. Trong đó, thu nội địa 9.910 tỷ đồng, đạt 47% dự toán.

Quảng Nam cần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển ảnh 3

Các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị tỉnh Quảng Nam làm rõ thêm một số vấn đề về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Tổng huy động vốn trên địa bàn tỉnh đạt 79.595 tỷ đồng, tăng 5,73% so với đầu năm 2023; dư nợ các tổ chức tín dụng đạt 106.713 tỷ đồng, tăng 8,45% so với đầu năm…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua; chia sẻ những khó khăn và mong tỉnh cố gắng, phấn đấu vượt qua và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tăng cường các giải pháp thu hút khách du lịch.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị, Quảng Nam nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch tỉnh, sớm trình Trung ương phê duyệt; trong đó, chú ý vấn đề quy hoạch Sân bay Chu Lai, Làng Đại học Đà Nẵng tại Quảng Nam, phát triển sâm Ngọc Linh…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông trọng điểm; xử lý dứt điểm tình trạng “có cầu không có đường, có đường không có cầu”; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân ở đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An) và người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhắc nhở.