Biến rác thải trở thành tài nguyên

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại từng hộ gia đình sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Ðây được coi là một bước "đột phá" nhằm tiến tới biến rác thải trở thành nguồn tài nguyên; đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Phòng chủ động nghiên cứu, thiết kế phương tiện thu gom rác phân loại. (Ảnh TRUNG KIÊN)
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Phòng chủ động nghiên cứu, thiết kế phương tiện thu gom rác phân loại. (Ảnh TRUNG KIÊN)

Ðể các quy định nêu trên đi vào cuộc sống, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng tại các địa phương trên cả nước. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn phát sinh là hơn 67.877 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 29.734 tấn/ngày. Ðối với công tác thu gom, vận chuyển, năm 2023 tại đô thị là 96,60%, nông thôn là 77,69%.

Theo ông Nguyễn Thành Lam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay việc phân loại tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ tại các địa phương, chưa cung cấp đầy đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu; công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (chiếm 76,10%). Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cả vốn ODA, trong khi đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn nhỏ; 75% cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn được Nhà nước hỗ trợ vận hành.

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại từng hộ gia đình sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển.

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành ba nhóm, cụ thể: Nhóm một, là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử…).

Nhóm hai, là chất thải thực phẩm (Thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến thức ăn…).

Nhóm ba, là chất thải rắn sinh hoạt khác (Chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và các chất thải còn lại).

Ðáng chú ý, Khoản 2 Ðiều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội ban hành, thay cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó có rất nhiều nội dung đổi mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Ðối với việc quản lý rác sinh hoạt, có một số điểm mới cần được làm rõ như lần đầu tiên quy định bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn chứ không dừng ở mức khuyến khích như các luật trước đó (nếu không phân loại sẽ bị từ chối thu gom và bị phạt). Ngoài ra, người gây ô nhiễm phải trả tiền theo lượng rác thải ra, phải đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng để thu gom, vận chuyển xử lý rác đã phân loại theo đúng quy định.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế đến thời điểm này, hầu hết các địa phương còn khá lúng túng khi triển khai, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Các hộ gia đình, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại như thế nào, phải trả tiền thu gom rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào…

Ngoài ra, lực lượng cán bộ làm việc trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn tại tuyến huyện, tuyến xã còn mỏng; hạ tầng về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ, nhiều khu vực bãi rác tập trung thiếu hệ thống xử lý nước rác, từ đó gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, các nhà máy xử lý chất thải còn "ngại" tiếp nhận chất thải sinh hoạt. Lý do bởi chi phí cho hoạt động thu gom còn thấp; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không bù chi; công nhân thu gom rác thải tại khu vực nông thôn thu nhập thấp, chưa được quan tâm đúng mức cho nên khó thu hút được lực lượng này gắn bó với công việc dài lâu.

Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều người coi chuyện thu gom rác là công việc của công nhân môi trường… Do vậy, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể, rõ ràng sẽ rất khó đưa chính sách này đi vào cuộc sống.

Để chính sách đi vào cuộc sống

Cục Trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Dựa trên văn bản hướng dẫn phân loại rác của Bộ, địa phương căn cứ để xây dựng hướng dẫn riêng, phù hợp thực tế.

Song song với đó, Bộ đã ban hành "Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt", đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Ðiều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Trong hướng dẫn kỹ thuật còn có hình minh họa, hướng dẫn rõ cách sơ chế, làm sạch cơ bản các loại rác trước khi phân loại. Thí dụ như: Giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại sản phẩm chứa đựng bên trong sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích. Ðối với vải, đồ da, đồ gỗ có thể tái sử dụng đối với các đồ còn sạch, nguyên vẹn hoặc thu gọn. Các thiết bị điện, điện tử thì giữ nguyên hình dạng, không tháo rời.

Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Trong đó cần lưu ý một số nội dung như: Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, phù hợp nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thành và ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiến hành sửa Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là rất tốt và chúng ta phải cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể, căn cơ đối với từng tỉnh, từng địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có trách nhiệm bố trí, lựa chọn hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giám sát việc thực thi, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện; xây dựng và ban hành quy định chi tiết về giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ðồng thời, cung cấp cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất như thùng rác, nơi đổ rác, thời gian thu gom, vận chuyển… Ðây là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong việc thực hiện chủ trương này hiện nay.