Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, để hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Đề án), giai đoạn 2021-2025, cả nước cần hoàn thành khoảng 428 nghìn căn hộ, riêng năm 2024 là 130 nghìn căn hộ.
Nhiều địa phương chưa tích cực vào cuộc
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ, trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40 nghìn căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108 nghìn căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn. Với gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng, có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay hơn 30 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã có sáu dự án nhà ở xã hội được giải ngân với số vốn khoảng 530 tỷ đồng.
Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn, mục tiêu 428.000 căn hộ nhà ở xã hội của Đề án trong giai đoạn 2021-2025 cơ bản đạt được. Tuy nhiên, nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó một số địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới, như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định... Một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như: Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp. Đồng thời, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng còn chậm so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư chưa đáp ứng kỳ vọng so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Đơn cử như Hà Nội mới có ba dự án, với 1.700 căn, Thành phố Hồ Chí Minh có bảy dự án với 4.996 căn, Đà Nẵng có năm dự án với 2.750 căn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi.
Một số địa phương trọng điểm có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư chưa đáp ứng kỳ vọng so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội rất thiếu, nhưng số lượng tồn kho còn nhiều, chủ yếu là nhà ở công nhân. Phó Tổng Giám đốc Viglacera Trần Ngọc Anh cho biết, hiện nay tổng công ty vẫn tồn khoảng 300 căn nhà ở xã hội, chủ yếu tập trung gần các khu công nghiệp. Mặc dù, các căn hộ này đều có tiện ích đồng bộ, giá cả phải chăng, nhưng vướng quy định chỉ người lao động làm việc trong khu công nghiệp mới được mua cho nên không bán được. Do đó, Viglacera kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở công nhân để nhanh chóng giải tỏa lượng tồn kho, cũng như đáp ứng nhu cầu thực của nhiều người dân có thu nhập thấp trong khu vực.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn đề xuất xem xét lại suất vốn đầu tư nhà ở xã hội, cũng như nguồn vốn lâu dài và đầy đủ hơn vì dự báo nhu cầu vốn về nhà ở xã hội trong tương lai lên tới 800 nghìn tỷ đồng; đồng thời, rút ngắn thời gian trình tự thủ tục đầu tư, xét duyệt giá bán nhà ở xã hội...
Đồng bộ các giải pháp
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định, để mở rộng và nâng cao chất lượng công tác xây dựng nhà ở xã hội, cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo đó, cần thống nhất nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển nhà ở quốc gia, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương; phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội với giá bán phù hợp với khả năng chi trả của công nhân và người có thu nhập thấp; bảo đảm phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn.
Đồng thời, cần phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, tạo mọi thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội; đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai nhà ở xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, kịp thời xử lý những sai phạm; nghiên cứu, hình thành mô hình doanh nghiệp nhà nước chuyên về đầu tư, phát triển nhà ở xã hội; đẩy nhanh hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội...
Để hoàn thành mục tiêu của Đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các bộ, ngành tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn các luật vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại tìm giải pháp hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng.
Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cần lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công; đồng thời, sau khi khởi công, có trách nhiệm cung cấp, công bố công khai các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết, đăng ký và thực hiện việc theo dõi, giám sát.
Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương khởi công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội; chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng...
Nhìn từ thực tế triển khai, nhiều doanh nghiệp bất động sản có chung nhận xét: địa phương nào quan tâm tốt đến chương trình phát triển nhà ở xã hội thì công nhân lao động, người nghèo ở đó có điều kiện tiếp cận nhà ở và ngược lại. Do đó, trách nhiệm người đứng đầu các địa phương rất quan trọng, có thể nói mang tính quyết định đối với thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.