Bí quyết nghề rèn truyền thống của đồng bào H’Mông

NDO - Nghề rèn của đồng bào dân tộc H’Mông ở tỉnh Điện Biên đã có từ lâu đời, thể hiện sự tài hoa khéo léo để cho ra lò những sản phẩm tinh xảo, vừa có giá trị làm vật dụng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Để làm ra những nông cụ tinh xảo, phải trải qua nhiều công đoạn.
Để làm ra những nông cụ tinh xảo, phải trải qua nhiều công đoạn.

Trước kia, hầu như gia đình người H’Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ngày nay trong xu thế phát triển, nhưng nhiều người dân tộc H’Mông vẫn thích sử dụng các nông cụ do tự tay mình làm ra hoặc do chính đồng bào mình làm ra theo phương thức thủ công...

Các sản phẩm trong nghề rèn truyền thống của dân tộc H’Mông rất phong phú, đó là những công cụ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày như: dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng...

Bí quyết nghề rèn truyền thống của đồng bào H’Mông ảnh 1

Nghề rèn đòi hỏi sức khỏe và khéo léo.

Bí quyết để làm ra những con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc ngọt và có độ bền cao, đầu tiên phải lựa chọn được loại thép tốt. Loại thép thường được người H’Mông sử dụng đó là nhíp ô tô, nhất là nhíp của ô tô sản xuất cách đây vài chục năm. Chính vì thế nên sản phẩm làm ra rất bền, sử dụng đến mòn vẹt mà vẫn còn rất sắc bén.

Bên cạnh đó, kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng, thép nung phải đủ độ nóng, không non quá cũng không được quá già lửa. Kỹ thuật này quyết định độ bền của sản phẩm.

Bí quyết nghề rèn truyền thống của đồng bào H’Mông ảnh 2

Đồng bào dùng than củi để đốt lò.

Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc H’Mông.

Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, lực búa giáng xuống thanh thép phải đều nhau, độ mạnh yếu biến hóa với từng phần của sản phẩm. Than đốt lò để rèn cũng rất đặc biệt. Người H’Mông không dùng than đá mà dùng than củi của cây rừng. Trong khi rèn nhiệt độ lò rèn phải nóng đều mới cho ra sản phẩm tốt nên yêu cầu người quay bễ phải đều tay.

Bí quyết nghề rèn truyền thống của đồng bào H’Mông ảnh 3

Kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng.

Lò rèn của người H’Mông không cầu kỳ, chỉ có một ụ đất làm lò, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Cái bễ là quan trọng nhất. Nó cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Cái bơm ấy được khoét ra từ thân cây đường kính khoảng 50cm. Pít tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà chung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, người thợ đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức.

Ngày trước, 100% công đoạn đều thủ công nhưng ngày nay một số công đoạn làm rèn đã sử dụng quạt điện thổi lò, máy mài. Tuy nhiên, các công đoạn quan trọng nhất từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, tay cầm… vẫn làm bằng tay. Vì vậy, sản phẩm làm ra có độ tinh xảo riêng, sắc bén và bền lâu với thời gian.

Bí quyết nghề rèn truyền thống của đồng bào H’Mông ảnh 4

Du khách lựa chọn sản phẩm rèn của đồng bào HMông.

Nghề rèn của đồng bào H’Mông không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực trong đời sống mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, trong các thôn, bản chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn. Do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề rèn của người H’Mông gặp không ít khó khăn. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống là một việc làm hết sức cấp bách, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc.