Bị lừa khi đặt mua vé “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say Hi”"

NDO - Trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say Hi””, nhiều fan hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi Ban Tổ chức mở bán nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.
0:00 / 0:00
0:00

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO KHI MUA VÉ CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC, CONCERT

Bị lừa khi đặt mua vé “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say Hi”" ảnh 1

Trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say Hi””, nhiều fan hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi Ban Tổ chức mở bán nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.

Cụ thể, mới đây, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thực hiện điều tra, xác minh vụ lừa đảo khi mua vé xem Chương trình Anh Trai “Say Hi”. Theo đó, nhóm chị N (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chuyển tiền cho một đối tượng, giới thiệu làm trong ban tổ chức bán vé xem Chương trình Anh Trai “Say Hi”. Nhưng sau khi chuyển tiền, đối tượng này đã không cung cấp được vé cho chị. Bài đăng trên các hội nhóm mạng để rao bán vé chương trình cũng bị gỡ bỏ.

Nghi ngờ bị lừa đảo, nhóm chị N. đã đến Công an phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 50 triệu đồng.

Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, pass vé nhằm thu hút người dùng.

Ngoài ra, đối tượng còn tung ra nhiều "chiêu thức" như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường, người mua thường không phát hiện ra cho đến khi đến cửa vào sự kiện.

Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do "đảm bảo vé", sau đó biến mất và không cung cấp vé. Bên cạnh đó, một số đối tượng quảng cáo vé VIP hoặc các gói dịch vụ đặc biệt mà thực chất là không tồn tại, dụ dỗ người mua với các lợi ích, giá trị không có thật.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi thực hiện mua hoặc mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện. Chỉ nên tuân thủ đúng quy định về mua bán vé theo kênh phân phối của Ban tổ chức.

Trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, người dân cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch; ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp để có thể xác định được sự uy tín của tấm vé, tránh bị trục lợi.

Thực hiện theo dõi những thông tin trên kênh bán vé chính thống, không tin tưởng vào những thông tin thiếu tính xác thực được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO MẠO DANH NHÂN VIÊN CƠ QUAN THUẾ, YÊU CẦU CÀI ĐẶT PHẦN MỀM GIẢ MẠO

Bị lừa khi đặt mua vé “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say Hi”" ảnh 3

Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo do đối tượng tự xưng nhân viên cơ quan thuế, người đàn ông ở Hà Nội bị chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp số tiền hơn 200 triệu đồng trong tài khoản.

Cụ thể, Công an xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (trú tại huyện Chương Mỹ) về việc anh nhận được cuộc gọi điện thoại, người này tự xưng là nhân viên Chi cục thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử.

Sau đó, đối tượng yêu cầu anh T cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản bị trừ hơn 200 triệu đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên thường là liên hệ với nạn nhân qua số điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế xác nhận thông tin, kê khai thuế điện tử.

Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dân tải ứng dụng giả mạo trên kho ứng dụng Google Play Store (CH Play). Nếu đồng ý cài đặt các phần mềm giả mạo này, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân; thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến, tránh nguy cơ bị chiếm quyền điều khiến toàn bộ thiết bị và chiếm đoạt tài sản.

Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức, tránh truy cập vào những đường dẫn lạ. Thực hiện xác minh danh tính của đối tượng và thông tin được đối tượng yêu cầu thông qua kênh thông tin chính thống.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC WEBSITE LÀM HỘ CHIẾU ONLINE GIẢ MẠO

Bị lừa khi đặt mua vé “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai “Say Hi”" ảnh 5

Lợi dụng một bộ phận người dân không thông thạo về công nghệ thông tin, chưa thông thạo cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm "cò mồi" làm hộ chiếu nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiếm đoạt thông tin cá nhân.

Nắm bắt nhu cầu người dân ngại thủ tục rườm rà khi đi làm hộ chiếu; một số người dân không thông thạo các thao tác làm hộ chiếu online trên Cổng thông tin Dịch vụ công, các đối tượng đã lập ra những trang web giả mạo quảng cáo dịch vụ “làm hộ chiếu online” thu hút hàng nghìn người dân quan tâm.

Với những lời quảng cáo hấp dẫn như: làm passport chưa bao giờ dễ dàng đến thế; hồ sơ được gửi về tận nhà chỉ cần cung cấp thông tin và file ảnh; không phải xếp hàng, không chen lấn; nhận làm hộ chiếu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, trên mạng xã hội, đối tượng cũng sẽ tạo các hội nhóm mang tên "Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh", "Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội", "Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam",... với mức chi phí cao hơn rất nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP,... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng.

Sau đó dùng tài khoản này để lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng VNeID.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không sử dụng các “dịch vụ online” trên các mạng xã hội. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

CẢNH GIÁC VỚI TIN NHẮN EMAIL GIẢ MẠO NETFLIX

Mới đây, lực lượng cảnh sát Singapore đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, gửi tin nhắn tới người dân nhằm đánh cắp thông tin và tài sản. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, tổng thiệt hại từ các vụ lừa đảo gây ra đã lên tới con số 29.700 USD (tương đương 753 triệu đồng).

Các đối tượng giả mạo nhân viên thuộc dịch vụ chăm sóc khách hàng, gửi tin nhắn email tới nạn nhân với nội dung thông báo tài khoản của họ bị đình chỉ tạm thời do gói đăng ký không thể gia hạn, yêu cầu nạn nhân cập nhật thêm thông tin hoặc thay đổi phương thức thanh toán.

Để khắc phục vấn đề, các đối tượng yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường dẫn được đính kèm. Sau khi truy cập, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web Netflix giả mạo.

Tại đây, trang web sẽ yêu cầu nạn nhân nhập lại thông tin thẻ ngân hàng hoặc thử thanh toán bằng phương thức khác. Bằng cách này, các đối tượng xấu có thể sử dụng những thông tin mà nạn nhân cung cấp để thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp. Chỉ khi nhận được thông báo về các giao dịch lạ, nhiều nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa.

Trước thủ đoạn nêu trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn Email yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và ngân hàng. Cẩn trọng xác thực tin nhắn thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống.

Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, ngân hàng hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền khi chưa xác minh được danh tính của đối tượng gửi tin.

Khi nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần thay đổi mật khẩu tài khoản trực tuyến, gia tăng tính bảo mật cho tài khoản bằng các hình thức như áp dụng yếu tố xác thực hai lớp, sử dụng phần mềm quét và diệt virus uy tín, đồng thời trình báo với lực lượng chức năng để điều tra và truy vết đối tượng lừa đảo.

CẢNH GIÁC TRƯỚC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO THÔNG QUA NỀN TẢNG NGHE NHẠC TRỰC TUYẾN SPOTIFY

Thời gian qua, nhiều người dùng Spotify cho biết họ nhìn thấy nhiều danh sách nhạc, podcast được tạo lập với tiêu đề quảng cáo về các trang web lạ, kêu gọi truy cập nhằm tải về các phần mềm bị bẻ khóa miễn phí. Thực chất, đây là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, được các đối tượng xấu sử dụng với mục đích đánh cắp dữ liệu người dùng.

Dựa vào tính năng tự tạo và chia sẻ danh sách nhạc công khai, nhiều đối tượng đã cài cắm những đường link dẫn tới trang web có chứa mã độc thông qua phần mô tả của những bài hát đã được chỉnh sửa hoặc những bản podcast với nội dung bàn luận xoay quanh các phần mềm, ứng dụng máy tính.

Thông qua các danh sách, các đối tượng cài cắm lợi ích của việc sử dụng những phần mềm này, sau đó nói rằng chúng có thể được tải xuống miễn phí bằng cách truy cập vào đường dẫn đính kèm.

Sau khi nhấn vào đường dẫn, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web sở hữu các phần mềm, ứng dụng chứa mã độc. Sau khi tải về, các đối tượng xấu có thể dễ dàng chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân, đánh cắp toàn bộ dữ liệu.

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cảnh giác khi tải về và sử dụng những phần mềm bẻ khóa. Chỉ nên tải phần mềm, ứng dụng từ những trang web uy tín, số lượng người truy cập lớn.

Cẩn trọng kiểm tra đường dẫn, tên miền của trang web trước khi truy cập, cảnh giác trước những tên miền có các ký tự lạ, không có chứng chỉ SSL hoặc bị cảnh báo bởi trình duyệt web đang sử dụng.

Trong trường hợp phát hiện thấy các trang web có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo địa chỉ URL với lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn.