Đây là thông tin từ buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội với Bảo hiểm xã hội Hà Nội về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội diễn ra ngày 16/6.
Báo cáo về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, tính đến tháng 5/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 1,8 triệu người, đạt 38,6% dân số trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 62.661 người, chiếm tỷ lệ 1% dân số trong độ tuổi lao động. Số thu bảo hiểm xã hội hằng năm tăng, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Lũy kế đến tháng 5/2022, thu được 20.312 tỷ đồng (tăng 823,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021), đạt 38,1% kế hoạch được giao.
Về tình hình nợ đóng bảo hiểm xã hội, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi giảm dần qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ nợ bảo hiểm lần lượt qua các năm là: 2017: 3,9%; 2018: 2,53%; 2019: 1,98%.
Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội tăng. Năm 2020, số tiền nợ phải tính lãi là 1.306,6 tỷ đồng (tăng 392,7 tỷ đồng so với năm 2019), chiếm 2,58% kế hoạch thu. Năm 2021, số tiền nợ phải tính lãi là 1.607,4 tỷ đồng (tăng 300,8 tỷ đồng so với năm 2020), chiếm 3,03% kế hoạch thu.
Tính đến tháng 5/2022, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 5.050,4 tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch thu. Trong đó số tiền nợ phải tính lãi là 1.903,9 tỷ đồng (tăng 296,5 tỷ đồng so với năm 2021), chiếm 3,37% kế hoạch thu.
Về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thủ đô từ năm 2017 đến tháng 5/2022, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Đàm Thị Hòa chia sẻ thêm, thời gian qua, cơ quan này luôn chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kịp thời, tính khả thi cao, có tác dụng chỉ đạo định hướng, thực hiện chính xác, thống nhất các chủ trương của Thành phố, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã phối hợp các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị sử dụng lao động tổ chức hàng nghìn cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hướng dẫn cài đặt VssID- Bảo hiểm xã hội số.
Để phù hợp với tình hình dịch Covid-19, ngoài các hình thức truyền thông truyền thống, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội. Cụ thể như: tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến (livestream, zoom..), thường xuyên cập nhật thông tin trên Fanpage và Zalo của đơn vị.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, năm 2021 đã triển khai thành công mô hình xã, phường điểm phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên 30 quận, huyện, thị xã. Trong năm 2022 sẽ nhân rộng mô hình ra các xã, phường khác trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, thông tin, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp rất chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Hà Nội trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ đóng bảo hiểm xã hội. Từ năm 2017 đến 2019, số nợ bảo hiểm xã hội của thành phố đã giảm mạnh, xuống dưới 2%. Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều doanh nghiệp khó khăn, phải dừng sản xuất, giải thể dẫn đến số nợ cao. Nợ bảo hiểm xã hội liên quan mật thiết đến “sức khỏe’ doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, Chính phủ và Hà Nội đã ban hành nhiều quyết sách phục hồi, cơ cấu lại nền kinh tế, hy vọng trong thời gian tới, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, “sức khỏe” của doanh nghiệp đi lên, cùng với các giải pháp quyết liệt thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan chuyên ngành, nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn sẽ giảm.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, nhấn mạnh, thời gian tới, đơn vị sẽ thay đổi hình thức tuyên truyền, nhấn mạnh tuyên truyền bảo hiểm xã hội là chính sách của Nhà nước, để phân biệt với các loại hình bảo hiểm khác.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại thành phố cao. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,3% dân số trong độ tuổi lao động. Vì vậy, chắc chắn Bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết 28-NQ/TW, với mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 có 2,5% dân số trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Việc chi trả kịp thời, nhanh chóng, thể hiện rõ qua các đợt chi trả hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ.
Về vấn đề giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 3/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục hạn chế, khuyết điểm về số nợ bảo hiểm xã hội tăng cao được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ Thanh tra Thành phố, Cục Thuế, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để thu hồi nợ.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng yêu cầu cán bộ thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, hướng dẫn đầy đủ quy trình thanh tra, kiểm tra cho bảo hiểm xã hội các quận, huyện. Đồng thời, đơn vị yêu cầu cán bộ thực hiện đúng, đầy đủ quy trình thanh tra, kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp chây ì, cố tình không đóng. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã kiến nghị Công an Thành phố khởi tố hình sự 4 doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp khắc phục được nợ khi có quyết định thanh tra, đơn vị sẽ dừng thanh tra.