Trong thời gian dịch bùng phát, các hoạt động thường xuyên của ngành, nhất là công tác tuyên truyền, vận động mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại, không thể tiến hành trên diện rộng.
Ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực phía nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, khiến người lao động thiếu, thậm chí mất việc làm, từ đó số tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị giảm sâu.
Trong khi đó, việc thực hiện chính sách mới cũng làm giảm số người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, dẫn đến số lượng và tỷ lệ dân số có thẻ bảo hiểm y tế ở nhiều địa phương giảm mạnh.
Việc thực hiện quy định giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; cùng với khó khăn của các doanh nghiệp... cũng là những yếu tố khiến công tác thu bảo hiểm thêm những áp lực lớn.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách trong năm qua vẫn đạt được những kết quả tích cực, thể hiện qua nhiều "con số biết nói": Cả nước có khoảng 16,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (cả bắt buộc và tự nguyện), tăng hơn 400 nghìn người so năm 2020, chiếm khoảng 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi; số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 95 nghìn người; số tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 88,8 triệu người, tăng gần 800 nghìn người so năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 91% số dân.
Cùng với đó, toàn ngành đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho hơn 7,85 triệu lao động; bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 125 triệu lượt người; phối hợp ngành lao động-thương binh và xã hội giải quyết cho khoảng 857 nghìn lao động hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Ðặc biệt, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với sự chuẩn bị kỹ càng và tinh thần vào cuộc khẩn trương nhất, việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp của 375 nghìn đơn vị (hơn 11,238 triệu lao động) đã hoàn tất chỉ sau bảy ngày, với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; gần 850 đơn vị được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất hơn 1.113 tỷ đồng...; chỉ trong năm ngày, việc gửi thông báo giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến 363.600 đơn vị, với số tiền điều chỉnh giảm hơn 7.595 tỷ đồng cũng đã được hoàn thành; khoảng 12,8 triệu người lao động cũng đã được nhận tiền hỗ trợ khoảng 30.320 tỷ đồng, với những thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất.
Cùng với đó, ngành bảo hiểm xã hội cũng bảo đảm chi trả các chế độ đúng, đủ, linh hoạt, nhất là chi trả lương hưu, mở rộng chi trả qua tài khoản ATM nên đã hạn chế việc tiếp xúc, đi lại của người hưởng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh...