Thành phố Hồ Chí Minh tích cực phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội

Đến hết tháng 11/2024, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 54%. Con số này vượt 9,32% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương giao đến năm 2025. Tuy nhiên, việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở địa phương còn dưới mức tiềm năng, độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm, nhất là đối với lao động làm việc ở khu vực phi chính thức.
Công nhân Công ty TNHH Juki (Việt Nam) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh nhandan.vn)
Công nhân Công ty TNHH Juki (Việt Nam) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh nhandan.vn)

Tính đến hết ngày 30/11/2024, số người trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 2,65 triệu người, đạt tỷ lệ 54,32% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thông tin trên được Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội diễn ra ngày 27/12.

Tính đến hết ngày 30/11/2024, số người trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 2,65 triệu người, đạt tỷ lệ 54,32% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lãnh đạo Thành phố đã yêu cầu ngành lao động-thương binh và xã hội cùng với ngành bảo hiểm xã hội chủ động phối hợp triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, tập trung giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Năm 2024, ngành lao động-thương binh và xã hội Thành phố đã chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Thành ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 1/7/2024 về thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, người lao động, doanh nghiệp về chế độ bảo hiểm xã hội, nhằm tăng diện bao phủ của chính sách, xem việc hoàn thành đạt các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố; là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị cơ sở trên địa bàn Thành phố.

Thông qua các quy chế phối hợp đã được ký kết giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố trong vấn đề lao động-việc làm trên địa bàn Thành phố; cơ chế phối hợp liên ngành bảo hiểm xã hội, công an, thuế và kế hoạch và đầu tư thúc đẩy kết nối, liên thông, chia sẻ, đồng bộ thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu quản lý chuyên ngành để xác định chính xác số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đóng đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Dự báo, ước tính dân số trung bình của Thành phố năm 2024 là 9.543.628 người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 4.885.928 người, so với cùng kỳ tăng 0,87% (tương ứng 42.338 người). Số lao động có việc làm là 4.738.667 người, so với cùng kỳ tăng 1,53% (tương ứng 71.848 người).

Tính đến hết ngày 30/11/2024, số người trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 2,65 triệu người, đạt tỷ lệ 54,32% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này vượt 9,32% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương giao đến giai đoạn đến năm 2025 là 45%. Trong tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố, có gần 51 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 2,55 triệu người, đạt tỷ lệ 52,24% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 17,24% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương giao đến giai đoạn đến năm 2025 là 35%).

Thành phố Hồ Chí Minh tích cực phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 1

Cán bộ Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội hộ gia đình. (Ảnh: HSS)

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh, Thành phố nhìn nhận, việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở địa phương còn dưới mức tiềm năng, độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm, nhất là đối với lao động làm việc ở khu vực phi chính thức.

Thị trường lao động Thành phố trong năm 2024 tuy có nhiều tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng còn doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng biến động của kinh tế-chính trị thế giới, một số doanh nghiệp gia công, sử dụng đông lao động, để giảm chi phí sản xuất đã di dời hoạt động sang địa phương khác và Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài xu hướng trên, dự báo gây khó khăn đến công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố trong năm 2025 và những năm tiếp theo, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất sáu giải pháp trọng tâm.

Trước hết, tiếp tục tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội đối với đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, nỗ lực phối hợp ngành bảo hiểm xã hội và các sở, ngành có liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động, nhất là đối với những nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Thêm vào đó, tiếp tục phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động giữa các cơ quan (bảo hiểm xã hội, lao động, thuế, kế hoạch và đầu tư, công an,...) làm giàu cơ sở dữ liệu, phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt hơn.

Song song với đó, tăng cường thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đồng bộ, chặt chẽ các đơn vị sử dụng lao động (nhất là đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài); thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành chính khi phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp ngành bảo hiểm xã hội nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành chính sách hỗ trợ thêm tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện căn cứ theo điều kiện kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, thực hiện số hóa hồ sơ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu quả quản lý bảo hiểm xã hội của ngành.