Tại các tuyến đường cửa ngõ, nhất là cửa ngõ phía nam, các phương tiện chen nhau nhích từng tí một ngay từ sáng sớm. Trên đường Giải Phóng-Ngọc Hồi, ùn tắc với chiều phương tiện đổ ra Quốc lộ 1A (cũ) và cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Do lo ngại dịch bệnh nên rất nhiều người đã chọn cách đi xe máy về quê để bảo đảm an toàn, nên đường lại càng tắc nghẽn.
Trong thời điểm từ 8 đến 11 giờ trưa nay, để qua được nút giao Pháp Vân, nhiều phương tiện đã phải chờ ít nhất từ 5 đến 7 nhịp đèn đỏ mới ra được hướng cao tốc. Tại đường trên cao Vành đai 3 ùn tắc cũng xảy ra với hướng Mai Dịch-cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, trong thời điểm từ 9 giờ sáng, ùn tắc có lúc đã kéo dài hàng km. Đến chiều, tình trạng có cải thiện hơn, nhưng vẫn rất đông phương tiện. Lúc 17 giờ chiều, ô-tô vẫn chen nhau hàng dài từ đường Nguyễn Trãi để chờ lên đường Vành đai 3 trên cao. Trên Quốc lộ 1A (cũ), từ Văn Điển đến cầu Quán Gánh huyện Thường Tín, rất đông ô tô, xe máy ùn ứ trong chiều mưa rét.
Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, so với các ngày trước đây, trong hôm nay, lượng người và phương tiện đổ ra các tuyến đường cửa ngõ tăng hơn. Để chống ùn tắc, từ 6 giờ sáng, Đội số 14 đã huy động 100% quân số ra đường để làm nhiệm vụ điều tiết, hướng dẫn người và phương tiện đi lại.
Trên các tuyến cao tốc như Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Bắc Giang, Hà Nội-Thái Nguyên… tình trạng ùn tắc cũng kéo dài với chiều đường từ Hà Nội đi các tỉnh, nhất là tại khu vực các trạm thu phí.
Trong khi các tuyến cửa ngõ giao thông căng thẳng thì tại các bến xe vẫn khá vắng khách. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, lượng khách chỉ tăng khoảng 20% so với ngày thường, và bằng 15-30% so với những ngày chưa xảy ra dịch Covid-19.
Cụ thể, bình thường bến xe Mỹ Đình có 900 lượt xe xuất bến, thì trong ngày cao điểm 28/1 bến xe chỉ có 370 lượt xe xuất bến (37%); bến xe Giáp Bát bình thường có 1.100 lượt xe xuất bến thì ngày hôm qua chỉ 340 lượt xe xuất bến (30%).