“Bệ phóng” cho sản phẩm nông nghiệp

Nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp 4.0 được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng các công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,…); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi… gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin) giúp nông sản đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các địa phương mới chỉ tham gia được một phần nhỏ trong chuỗi quy trình này.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ cao trong thu hoạch lúa ở Quảng Bình.
Ứng dụng công nghệ cao trong thu hoạch lúa ở Quảng Bình.

Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại ở cả đầu vào và đầu ra của nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Qua đó, giám sát môi trường tăng trưởng cây trồng bao gồm: tình trạng phát triển, thông tin khí hậu, thông tin môi trường và thông tin tăng trưởng; áp dụng phương pháp canh tác biến đổi theo vùng bằng máy móc, thiết bị thông minh; phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định...

Như vậy, tiến bộ khoa học-kỹ thuật cùng các phương thức quản lý, kinh doanh mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và cải thiện chất lượng môi trường là những cơ hội lớn do cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra mà Việt Nam có thể tận dụng để thúc đẩy nông nghiệp.

Hiện nay, 100% số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Trong đó, 50% số doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và tham gia thương mại điện tử.

Đến nay, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tham gia khai thác, sử dụng ba phần mềm ứng dụng quản lý hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 283 sản phẩm được gắn mã QR-Code. Phần lớn doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của đơn vị mình trên hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với gần 200 dòng sản phẩm tham gia.

Lào Cai cũng đã xây dựng và triển khai phần mềm nhật ký canh tác, giúp nông dân dễ dàng ghi chép các hoạt động canh tác hằng ngày, tiết kiệm thời gian, dễ áp dụng, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong quản lý theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ sản xuất. Đáng chú ý, các nông sản của tỉnh Lào Cai sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, hầu hết đã khẳng định được vị thế trên sàn giao dịch thương mại nông sản trong cả nước.

Với việc tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP, tư duy nhận thức của nông dân đã dần thay đổi, mạnh dạn tiếp cận khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành bệ phóng cho nông sản ngày càng đạt chất lượng cao hơn, bắt nhịp với xu thế thương mại hóa toàn cầu.

Sau 5 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có gần 100 sản phẩm được công nhận. Thông qua các kênh thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP của Quảng Bình ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tại Công ty TNHH Như Mận (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh), thời gian qua đã tích cực tìm kiếm, kết nối, đưa sản phẩm khoai deo Như Mận (sản phẩm OCOP 3 sao) bán trên các sàn thương mại điện tử.

Đại diện công ty cho biết, năm 2019, đơn vị bắt đầu tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Postmart. Ban đầu triển khai còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa học hỏi, sau đó ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng sản phẩm bán ra cũng nhiều hơn so với trước đây. Hiện tại, sản phẩm khoai deo Như Mận được bán trên nhiều sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Shopee, Smartgap, quangbinhtrade… cho doanh thu tốt hơn tại các cửa hàng trực tiếp.

HTX Sản xuất-mua bán-chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (xã Hải Ninh), thông qua các sàn thương mại điện tử, cũng đã mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra các thị trường lớn. Các sản phẩm cá bờm trắng khô (OCOP 4 sao), tôm khô (OCOP 3 sao), mực khô… của HTX đã được bày bán trên sàn Voso và nhiều trang sàn thương mại điện tử khác.

Để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Sàn giao dịch sàn thương mại điện tử Quảng Bình hiện có khoảng 200 doanh nghiệp, HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Với nguồn vốn hỗ trợ từ Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khởi động Dự án “Nghiên cứu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Dự án nghiên cứu này được triển khai thực hiện tại 3 tỉnh ven biển là Bến Tre, Trà Vinh và Bạc Liêu.

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng và đa chiều trên toàn thế giới, đẩy mạnh chuyển đổi số được xem là chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội và là xu thế tất yếu.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp, từ đó thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Thực trạng tổng thể của nông nghiệp nước ta hiện nay cho thấy, cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp vẫn còn thiếu; phần mềm, phần cứng chưa được đầu tư tương xứng và chỉ giới hạn ở những dự án, chương trình đơn lẻ. Hơn nữa, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số vẫn còn hạn chế. Các đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chuyển đổi số như doanh nghiệp, nông dân chưa nhận thức được trách nhiệm.