Trại sáng tác do Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các cơ quan chức năng của Quân khu 5 tổ chức từ ngày 1 đến 15/8.
Sau gần 2 tuần hoạt động với trọn vẹn thời gian được sống hết mình cùng nghệ thuật và bằng tình yêu, sự gắn bó, trách nhiệm với người chiến sĩ các lực lượng vũ trang, với cuộc sống và bạn đọc…, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình-lý luận dự trại đã kịp hoàn thành 17 bản thảo văn học, trong đó có 11 tiểu thuyết, một trường ca, bốn tập bút ký và một chuyên luận phê bình văn học.
Các bản thảo lần này đều hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Sau gần 2 tuần hoạt động, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình-lý luận dự trại đã hoàn thành 17 bản thảo văn học, trong đó có 11 tiểu thuyết, một trường ca, bốn tập bút ký và một chuyên luận phê bình văn học.
Có thể kể đến một số bản thảo tiêu biểu ở trại sáng tác lần này: Về tiểu thuyết có “Rừng mặn” của nhà văn Hà Đình Cẩn phản ánh cuộc chiến đấu ác liệt và cam go của đặc công rừng Sác trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước; tiểu thuyết “Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân tái hiện cuộc chiến đấu oanh liệt của Sư đoàn bộ binh 10 trong chiến dịch Plei Me lịch sử tại thung lũng Ia Đrăng trên mặt trận Tây Nguyên năm 1965.
Nhà văn Châu La Việt có tiểu thuyết “Trăng Him Lam”, như mượn sự ảo diệu của nghệ thuật để tái hiện những năm tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với hình ảnh những người nghệ sĩ và chiến sĩ sát cánh bên nhau làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ông cũng kịp bổ sung, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết “Một chuyện tình xứ Quảng”.
Hai nhà văn Hà Phạm Phú và Hoàng Dự tiếp tục tạo ấn tượng mới ở trại viết năm nay khi có hai tiểu thuyết dày dặn. Hoàng Dự là “Nước mắt quê hương” với nội dung kết hợp hài hòa giữa tình yêu người lính và khói lửa đạn bom, giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa sự kiên gan và đớn hèn… để khái quát nên sự bi tráng của chiến tranh.
Trong khi đó, nhà văn Hà Phạm Phú có tiểu thuyết “Một và nhiều” mà như ông cho biết đã dốc vào đó toàn tâm, toàn lực của mình.
Bên cạnh đó còn có “Miền cỏ tranh” của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc và “Im lặng sống” của nhà văn An Bình Minh. Đây là hai tác phẩm riêng nhưng cùng chung một bút pháp, trong đó hai tác giả đang cố gắng sử dụng thi pháp mới khi viết về chiến tranh, bởi bên cạnh những sự bi hùng, còn mở ra những chân trời mới cho số phận của con người trở về sau chiến tranh. Có thể coi đây là một lối viết, một phong cách hiện đại, mang đến sự mới lạ của văn chương thời hội nhập.
Bên cạnh tác phẩm của những nhà văn cao niên, trại viết tiếp tục ghi nhận sự tham gia đóng góp của các nhà văn thế hệ trẻ hơn viết về người lính và chiến tranh cách mạng như: Trần Khánh Toàn có tiểu thuyết “Thao thức phía hoàng hôn” viết về những chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nữ nhà văn Bùi Thị Biên Linh có tiểu thuyết “Hạnh phúc”, trong khi nhà văn Linh Tâm hoàn thành tập bút ký “Nắng biên thùy”.
Lần đầu dự trại, nhà thơ Nguyễn Thanh Hải cũng xuất sắc có trường ca “Long Hựu” cùng nhà văn trẻ Trương Chí Hùng giới thiệu tập bút ký “Tây Nam biên viễn”, còn nhà văn Xuân Hùng hoàn chỉnh chuyên luận “Tiểu thuyết viết về chiến tranh từ góc nhìn hiện đại”.
Đoàn các nhà văn dự trại sáng tác đi thực tế giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thông tin 575. |
Với sự đa dạng về thể loại, đa sắc về góc nhìn, thành công và kết quả của trại viết đã cho thấy những khao khát và sức hấp dẫn của văn học viết về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng”, một đề tài “vĩnh cửu và tươi xanh mãi trong văn học nước nhà” như Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Quân đội nhân dân đã nhận xét.
Được biết, sau khi bế mạc trại viết, những bản thảo văn học sẽ sớm được NXB Quân đội nhân dân đưa vào biên tập, xuất bản và ra mắt bạn đọc trong thời gian gần đây.
Trong thời gian dự trại sáng tác, Ban Tổ chức đã bố trí các văn nghệ sĩ đi tham quan, khám phá những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh chung quanh.
Đoàn cũng có chuyến đi thực tế sáng tác và giao lưu với Lữ đoàn thông tin 575, một đơn vị quân đội có bề dày hơn 46 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, hiện đóng quân tại thành phố Đà Nẵng.
Trước tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thông tin 575, các thành viên trong đoàn, nhất là các nhà văn, nhà thơ từng nhiều năm mặc áo lính và viết về người lính như: Hà Đình Cẩn, Hà Phạm Phú, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Minh Ngọc, An Bình Minh... đã nhiệt tình trao đổi, dốc bầu tâm sự văn chương, kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc về quá trình sáng tác tác phẩm. Đoàn nhà văn đã tặng thư viện Lữ đoàn thông tin 575 một số đầu sách văn học.