Cũng từ nơi đây, các tác phẩm văn học dày dặn ở các thể loại đã ra mắt bạn đọc, chiếm ưu thế là các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết.
Tính riêng ba trại sáng tác gần đây, tại trại sáng tác tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2019 có tám tiểu thuyết về đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" được hoàn thành, xuất bản phục vụ đông đảo bạn đọc.
Tại Trại viết năm 2020 tổ chức ở Đà Lạt, có 16 bản thảo, trong đó có 10 tiểu thuyết, nổi bật như: Rừng hẹn, Hòa giải (hai tiểu thuyết của nhà văn Hà Đình Cẩn), Người mẹ và cánh rừng (Châu La Việt), Người từ chối vinh quang (Nguyễn Ngọc Mộc), Nữ tướng rừng xanh (Uông Thái Biểu), Trăng lạnh (Nguyễn Duy Hiến), Lửa hậu phương (Nguyễn Thanh Hương), Hạ cháy (Đặng Duy Lưu), Vùng đất thiêng (Vương Thu Thủy), Cơm Bắc giặc Nam (Phùng Phương Quý) ...
Trại sáng tác năm 2022 tại Cần Thơ cũng "thu hoạch" được tám tiểu thuyết, phản ánh nhiều mặt của người chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong những năm tháng chiến tranh và dựng xây hòa bình.
Đến Trại sáng tác văn học về đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" tại Đà Nẵng năm 2023 vừa tổ chức, có nhiều nhà văn từng cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng có nhiều tác phẩm văn học được bạn đọc yêu mến, đều đã cao tuổi, nhưng lại khá sung sức. Nghĩa là càng nhiều tuổi, các ông càng cho thấy khả năng sáng tác dồi dào, càng tươi trẻ trong các tác phẩm văn chương.
Có thể kể đến nhà văn Hà Phạm Phú nhiều tuổi nhất trại viết, người trước đây chuyên làm phim, làm thơ và viết truyện ngắn, thì ở trại viết này đã hoàn thành tiểu thuyết Một và số nhiều. Dường như bao tinh hoa văn chương, bao trải nghiệm cuộc đời và kinh nghiệm sống được ông trút hết vào bộ tiểu thuyết này.
Nhà văn Hà Đình Cẩn cũng làm đồng nghiệp kinh ngạc về sức viết của ông khi hoàn thành tiểu thuyết Đất mặn về chiến sĩ đặc công rừng Sác. Khi được hỏi trong tiểu thuyết mới này, có mối tình nào hấp dẫn không, ông vui vẻ chia sẻ: "Sao không, một mối tình của một đại đội trưởng với nữ y tá trung đoàn, với rất nhiều những cung bậc cảm xúc và éo le số phận...".
Nguyễn Trọng Tân thể hiện rõ là nhà văn của tiểu thuyết, khi tại trại này, tác giả của Thư về quá khứ, Đa đoan cõi tạm vẫn tận lực cày ải trên cánh đồng văn chương với một bộ tiểu thuyết mới không dưới 300 trang in.
Cũng như vậy với nhà văn Nguyễn Minh Ngọc là tiểu thuyết Miền cỏ tranh, nhà văn An Bình Minh có tiểu thuyết Im lặng sống, còn nhà văn Hoàng Dự hoàn chỉnh tiểu thuyết Nước mắt quê hương.
Cũng xin nói thêm, nhà văn Hoàng Dự từng là một người lính thiết giáp chiến đấu nơi chiến trường Nam Bộ. Kinh qua những năm tháng trận mạc, rồi trưởng thành trên nhiều cương vị khác nhau của nghiệp cầm bút, giờ đây, trên cương vị Tổng Biên tập của một tờ báo văn chương (Thời báo Văn học Nghệ thuật), trở về với trại viết lần này, ông như được trở lại chính ngôi nhà xưa của mình. Tiếp nối sự thành công của tiểu thuyết Đường đời (từng tái bản tới chín lần), tại trại viết này, ông đã hoàn thành bản thảo tập tiểu thuyết Nước mắt quê hương, làm sống lại những ký ức của cuộc đời người chiến sĩ trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Bên cạnh đó còn có hai tiểu thuyết Một tình yêu xứ Quảng và Vầng trăng Him Lam của nhà văn Châu La Việt.
Một hiện tượng lạ của Trại sáng tác văn học năm nay là sự xuất hiện của các cây bút trẻ hơn như: Nguyễn Tam Mỹ, Nguyễn Thanh Hải, Biên Linh, Linh Tâm, Trương Chí Hùng... và nhất là Trần Khánh Toàn. Anh vốn là một sĩ quan Công an nhân dân, được mời tham gia Trại viết bởi tiểu thuyết Biển bây giờ vẫn khát đoạt giải cao trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Cảnh sát biển. Lần đầu dự trại sáng tác này, Trần Khánh Toàn đã có tiểu thuyết đầu tiên về các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế ở châu Phi.
Phát huy thành quả những năm qua, có thể nói, Trại sáng tác văn học về đề tài "Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng" năm 2023 đã có một "mùa gặt" bội thu chất lượng. Đây cũng chính là đóng góp cho nền văn học nước nhà của những trại sáng tác văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng mà NXB Quân đội nhân dân, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã liên tục tổ chức trong những năm qua.