Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

NDO - Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 8/9, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 8/9. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 8/9. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở những nội dung yêu cầu quan trọng trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cùng các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, tiếp tục lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo các luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tập trung làm rõ những quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh; minh bạch hóa cơ chế tài chính cho bệnh viện công; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án Luật, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã tham gia giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về tổ chức đánh giá năng lực khám, chữa bệnh trước khi cấp giấy phép hành nghề, Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, đây là nội dung mới của dự án Luật lần này. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 đã quy định những điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề, đó là đạt được kết quả tại kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức.

Qua quá trình soạn thảo, tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận quy định theo hướng thời điểm kiểm tra là sau khi hoàn thành thực hành, vì thực hành là quá trình áp dụng kiến thức trường lớp dưới sự hướng dẫn của người lành nghề. Quy định này cũng tương tự vấn đề tập sự trong pháp luật về viên chức hay thời gian đào tạo nghề quy định trong Luật Luật sư.

Bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ảnh 2

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: DUY LINH)

Về mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia, dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, còn thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép hành nghề thì giao các cơ quan quản lý nhà thực hiện theo thẩm quyền quản lý.

Liên quan đến vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong mối quan hệ với các cơ quan trong quá trình đánh giá năng lực, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thể hiện một cách phù hợp, cụ thể hơn tại dự thảo Luật.

Về vấn đề giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nếu tại điểm này đưa ra được các định hướng về giá thì rất phù hợp, kết hợp với Luật Giá (sửa đổi thời gian tới) sẽ tạo nên hành lang pháp lý hết sức đồng bộ để có quy định liên quan giá dịch vụ chữa bệnh, khám bệnh.

Bộ Y tế sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, bảo đảm lộ trình tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, cũng như cân đối, bảo đảm chi phí cho người dân.