Chiều 8/9, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công và tư, cũng như quyền lợi của người bệnh
Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nêu rõ, dự thảo Luật đang quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.
Theo đại biểu, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng thì thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Cụ thể, Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, đồng thời quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa, cũng như cơ sở y tế tư nhân để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa khu vực công và tư.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu thực trạng, khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc.
Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang. Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công và tư, cũng như bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Cho ý kiến về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp của ngành y tế, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.
Điều 106 của dự thảo Luật quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Cho rằng chỉ quy định “tính đủ” thì sẽ không bảo đảm được việc tính đúng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị cần sửa đổi dự thảo Luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn cũng như tính hiệu quả khi Luật được ban hành và áp dụng trong thực tế.
Xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp
Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là “luật xương sống” của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động; số điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Y tế quy định chi tiết còn tương đối nhiều, đây đều là những nội dung khó, quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp.
Đại biểu Lê Hoàng Anh góp ý vào dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH) |
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung. Lý giải nguyên nhân, đại biểu cho rằng, đây là luật có ảnh hưởng lớn đến xã hội và nhiều lợi ích của người dân. Qua nghiên cứu cho thấy, dự án Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích thấu đáo để khi được ban hành Luật sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lấy thêm ý kiến về dự án Luật cũng như đánh giá tác động đối với một số chính sách mới có ảnh hưởng đến cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An, dự thảo Luật hiện nay đang có một số chính sách mới được bổ sung và một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, đây là dự án Luật quan trọng, không chỉ giúp xử lý những vấn đề bức xúc trước mắt mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiên tiến. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp để nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, bảo đảm những vấn đề đưa ra phải thật sự “chín”.