Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền

NDO - Chiều 7/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình 1 kỳ họp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khắc phục bất cập, vướng mắc trong quy định hiện hành về phòng, chống rửa tiền

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Dự thảo Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền…

Liên quan đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, để bảo đảm quy định tại Luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật bổ sung quy định giao Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mới phát sinh là đối tượng báo cáo, bổ sung việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trao đổi, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Cụ thể, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền theo kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào dự án Luật

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước nhấn mạnh việc cần thiết phải bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật, bởi với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Đại biểu nêu rõ, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm bảo đảm an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, tài trợ khủng bố.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền ảnh 2
Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang đề nghị bổ sung quy định: Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần, liên tục, đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng Bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Trao đổi làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành đã có đề xuất thể hiện trong dự thảo ban đầu quy định đối tượng báo cáo về kinh doanh tài sản ảo. Tuy nhiên qua rà soát các quy định của pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép chính tài sản ảo. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, các cơ quan kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội phương án giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết.

Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, dự thảo Luật giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối trong phòng, chống rửa tiền nhưng thực tế các giao dịch phát sinh rất nhiều. Trong đó, có nhiều giao dịch trực thuộc các bộ, ngành quản lý. Do đó, dự thảo Luật đã đưa ra quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối là Ngân hàng Nhà nước, rà soát bổ sung một số trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự án Luật, trong đó nêu rõ Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan nội dung báo cáo giao dịch đáng ngờ, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện, đồng thời bổ sung quy định về các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kế toán, công chứng, luật sư... nhằm bảo đảm bao quát đầy đủ các hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan đã được quy định tại dự thảo Luật.