Bay đúng giờ - vấn đề sống còn với các hãng hàng không

NDO - Chậm, hủy chuyến bay lâu nay vẫn là bài toán đau đầu đối với toàn ngành hàng không. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của các hãng bay, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có giải pháp tổng thể để khắc phục triệt để tình trạng chậm hủy chuyến vẫn thường xuyên xảy ra tại một số thời điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Bay đúng giờ - vấn đề sống còn với các hãng hàng không

Không thể bay đúng giờ tuyệt đối

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cùng với sự khởi sắc nhanh chóng của số chuyến bay thực hiện thành công, tỷ lệ bay đúng giờ của các hãng bay thời gian qua có sự sụt giảm, tại một số thời điểm có hiện tượng ùn tắc do quá tải, nhất là tại hai sân bay lớn nhất hai đầu đất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

“Kể cả trước khi có đại dịch Covid-19, hạ tầng sân bay đã luôn ở tình trạng ùn tắc, quá tải, chất lượng phục vụ thấp. Với sự phục hồi hàng không mới ở giai đoạn bắt đầu đã có những dấu hiệu cảnh báo hiện tượng quá tải hạ tầng sân bay sẽ sớm trở lại, nên cần triển khai ngay các biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết bài toán này”, GS, TS Trần Thọ Đạt khuyến nghị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, số lượng hãng hàng không tham gia thị trường, quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không,... cũng cần bảo đảm phù hợp hạ tầng, nguồn nhân lực đặc thù và năng lực giám sát an toàn hàng không để giảm thiểu chậm hủy chuyến.

Theo nhận định, đánh giá tổng quát của cả đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng hàng không cũng như nhiều chuyên gia, để đạt được tỷ lệ bay đúng giờ tuyệt đối 100% là điều gần như không thể bởi trong hoạt động khai thác của ngành hàng không, mọi chuyến bay đều chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tổng cộng gần 313 nghìn chuyến bay. Số chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP-On Time Performance) của toàn ngành hàng không trong năm qua đạt 280.581 chuyến bay, chiếm 89,7% tổng số chuyến bay.

Dẫn chứng, số liệu tổng hợp của Cục Hàng không Việt Nam về tình hình khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2022 cho thấy, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tổng cộng gần 313 nghìn chuyến bay. Số chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP-On Time Performance) của toàn ngành hàng không trong năm qua đạt 280.581 chuyến bay, chiếm 89,7% tổng số chuyến bay.

Tuy chỉ số OTP chỉ giảm 5 điểm phần trăm so năm 2021, nhưng các chuyên gia hàng không nhận định, đây là kết quả khá khả quan trong điều kiện số chuyến bay tăng mạnh thời điểm sau dịch, thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá phục hồi nhanh nhất thế giới.

Trong đó, hãng hàng không Vietnam Airlines dẫn đầu về số chuyến bay khai thác với 115.987 chuyến, Vietjet Air 115.349 chuyến, Bamboo Airways 51.959 chuyến, Pacific Airlines 16.567 chuyến, VASCO 8.084 chuyến, Vietravel 4.895 chuyến.

Cùng với đó, tỷ lệ chậm chuyến của toàn ngành là 10,3% (32.260 chuyến bay). Cụ thể, tàu bay về muộn là nguyên chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ với tỷ trọng 67,7%. Ngoài ra, ngành hàng không ghi nhận sự tiến bộ khi tỷ lệ chuyến bay bị hủy chỉ còn 0,4%, giảm 1,5 điểm so cùng kỳ.

Bay đúng giờ - vấn đề sống còn với các hãng hàng không ảnh 1

Chỉ ra nguyên nhân chậm hủy chuyến, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ngoài năng lực quản lý, vận hành, tình trạng tàu bay, các yếu tố khác như giới hạn về hạ tầng sân bay, dịch vụ mặt đất, quản lý không lưu, thời tiết (mưa giông, bão,...) và những tình huống bất thường khác (sức khỏe hành khách, an ninh,...) đều có thể tác động đến hoạt động mỗi chuyến bay.

Chỉ số OTP - vấn đề sống còn của các hãng

PGS, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, các dịch vụ đi kèm cho mỗi chuyến bay như một chuỗi liên kết mật thiết và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ cần một mắt xích trong chuỗi dịch vụ này gặp vấn đề, sẽ tác động khiến cả chuỗi dịch vụ bị trục trặc. Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

“Khi có 1 chuyến bay bị chậm, sẽ kéo theo nhiều chuyến bay khác bị chậm theo. Điều đáng lo ngại nhất là khi tình trạng chậm, hủy chuyến bay xảy ra, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận hành khách đi trên chuyến bay đó, mà kéo theo hàng loạt vấn đề khác về an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ ở sân bay, chi phí thiệt hại của chính hãng hàng không”, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống đánh giá.

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines khẳng định, chỉ số OTP là thước đo, là vấn đề sống còn với các hãng hàng không. Hành khách cảm thấy việc bay đúng giờ là đặc biệt quan trọng và có xu hướng tiếp tục chọn hãng bay có chỉ số OTP cao. Một hãng hàng không có chỉ số OTP cao cho thấy họ ưu tiên hành khách hơn lợi nhuận và phải tìm mọi cách để bảo đảm an toàn, giá cả hợp lý và đúng giờ, không hãng bay nào muốn mất uy tín với khách.

“Đối với một hãng hàng không, việc chậm chuyến là sự việc không mong muốn bởi vừa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách, vừa gây tốn kém chi phí do các tàu phải bay vòng trên trời (trung bình mỗi phút bay mất khoảng 2 triệu đồng tiền xăng, nay giá nhiên liệu tăng khiến chi phí gấp đôi), tiêu tốn nguồn lực chờ đợi,... và chi phí này rất lớn nếu tính theo số giờ/phút mà Vietnam Airlines cũng như các hãng khác đang gánh chịu. Vì thế, các hãng hàng không đều cố gắng bay đúng giờ và hạn chế thấp nhất chậm hủy chuyến”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Đánh giá về vấn đề này, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết: “Khi khách đi máy bay đông lên, hạ tầng hạn chế, việc ùn tắc, chậm hủy chuyến là vấn đề khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ ngồi yên chấp nhận. Nếu các hãng và những đơn vị liên quan trong ngành hàng không đã áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, tỷ lệ chậm hủy chuyến bay vẫn còn cao thì buộc phải cắt giảm số chuyến bay để bảo đảm chất lượng dịch vụ”.

Bay đúng giờ - vấn đề sống còn với các hãng hàng không ảnh 2

Nhằm khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam điều phối slot chặt chẽ, từ việc giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không, đặc biệt tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.

Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu khi lượng hành khách tăng; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu rút ngắn phân cách bay tối thiểu từ 5 dặm xuống 3 dặm, nghiên cứu các phương thức bay, phương thức tiếp cận,... nhằm tối ưu hóa điều hành bay.

Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định, cũng như tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, khung giờ ban đêm; tuân thủ tuyệt đối quy định an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng không, đồng thời thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan.