Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử

NDO -

Trong bối cảnh kinh doanh trên môi trường mạng, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm. Một số quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn chưa rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26-5-2020 của Chính phủ; hội thảo "Góp ý một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định hướng dẫn thi hành" đã được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010. Ngày 27-10-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng". 

“Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội bảo vệ Người tiêu dùng) có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Một thực tế nữa là hiện nhận thức của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất mờ nhạt. Qua các cuộc khảo sát chỉ có khoảng 15% người tiêu dùng được đọc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn lại chưa biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ.

Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến Hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng còn tương đối phổ biến.

Đặc biệt, trong thời đại thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới. 

Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. 

Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… giúp cho các hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng thực sự phát huy hiệu quả.