Mưa lũ cướp đi nhiều sinh mạng, gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp ở Đông Phi và một số khu vực thuộc Bán đảo Arab. Sóng nhiệt mạnh cũng đang bao phủ các vùng rộng lớn của châu Á, gây xáo trộn cuộc sống thường nhật và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan và khắc nghiệt xảy ra cuối tháng 4 này cho thấy thế giới tiếp tục dễ bị tổn thương trước các mối nguy hiểm về khí hậu. El Nino và hiện tượng lưỡng cực ở Ấn Độ Dương là tác nhân gây ra các hình thái thời tiết cực đoan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năng lượng dư thừa trong khí quyển và đại dương do khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người cũng góp phần khiến các loại hình thời tiết khắc nghiệt này gia tăng.
Tại phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương, Phó Tổng Thư ký WMO Ko Barrett cảnh báo, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và cường độ của các hiện tượng này, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội, đe dọa môi trường sống và tính mạng của con người.
Bà Barrett nhấn mạnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt từ đầu năm đến nay tại châu Á đang tiếp nối xu hướng được nêu ra trong Báo cáo Thực trạng khí hậu châu Á năm 2023 của WMO. Báo cáo cho thấy châu Á vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các thảm họa khí hậu trong năm 2023.
Bão lũ là nguyên nhân dẫn đến thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất, trong khi tác động của nắng nóng, được bà Barrett ví như “sát thủ thầm lặng”, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Số người chết liên quan nắng nóng thường không được báo cáo đầy đủ, do đó công tác thống kê các ca tử vong và những tổn thất kinh tế liên quan năng suất lao động giảm, mất mùa và thiếu điện, nước không được phản ánh chính xác.
Báo cáo Đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kết luận rằng tại châu Á, các đợt nắng nóng khắc nghiệt ngày càng tăng, trong khi các đợt rét đậm giảm dần và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới.
IPCC dự báo đến năm 2060, xu hướng nắng nóng sẽ tăng thêm hai đợt mỗi năm và thời gian nắng nóng sẽ kéo dài thêm 12-18 ngày. Theo số liệu thống kê của Cục Khí tượng Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang hứng chịu những đợt nắng nóng bất thường tại hầu hết các vùng lãnh thổ rộng lớn, ngoại trừ khu vực đông bắc, tây Himalaya, bán đảo tây nam và vùng biển phía tây.
Trong khi đó, người dân các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Bangladesh cũng đang hứng chịu các đợt nắng nóng hơn 400C, trong khi Myanmar ghi nhận nhiệt độ lên tới 460C, gây gián đoạn các hoạt động kinh tế và nông nghiệp, buộc trường học đóng cửa để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế Thái Lan ghi nhận 30 trường hợp tử vong liên quan nắng nóng, so với tổng số 37 trường hợp tử vong do sốc nhiệt trong cả năm 2023.
Trái ngược với Đông Nam Á, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn có khí hậu sa mạc nóng khô cằn và lượng mưa hằng năm rất thấp, lại đang gồng mình chống chọi với lũ lụt do mưa lớn bất thường. Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 75 năm qua.
Trong khi đó, bão hoành hành ở Oman, gây lũ quét và khiến 17 người thiệt mạng. Tại khu vực Đông Phi, Tanzania ghi nhận ít nhất 155 người chết và 230 người bị thương do lũ quét những tuần qua.
Các chuyên gia môi trường lý giải rằng, những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, bão lũ, hạn hán… diễn ra với cường độ ngày càng lớn và tần suất dày đặc chủ yếu bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, gây ra bởi những hoạt động xâm hại môi trường của chính con người.
Liên hợp quốc từng nhiều lần cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, do đó luôn hối thúc mọi người dân, mọi quốc gia chung tay hành động bảo vệ môi trường sống của nhân loại.