Theo các chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng khó lường, việc phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản trở thành ưu tiên hàng đầu.
Quá trình sản xuất của các đơn vị doanh nghiệp vừa phải đáp ứng nhu cầu của hiện tại, vừa không gây hại cho thế hệ tương lai, đây là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.
Hiện, Việt Nam đang hoàn thiện chính sách và giải pháp giảm phát thải carbon thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ Hoa Kỳ và EU.
Các biện pháp bao gồm việc quy định công bố thông tin đối với các công ty niêm yết hoạt động trong các lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao, hoàn thiện cơ chế giao dịch tín chỉ carbon, thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và thiết lập quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ tài nguyên rừng.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, để đáp ứng tiêu chuẩn ESG (môi trường-xã hội-quản trị) hướng đến xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp có thể thực hiện bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió, giúp giảm lượng khí thải carbon, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo. |
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể bảo đảm nguồn tài nguyên nước sạch để duy trì hoạt động sản xuất bền vững, áp dụng các biện pháp tái chế, tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất thực phẩm… để bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật các kiến thức mới về các tác động trong nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đến môi trường, cũng như các quy định của Việt Nam và quốc tế, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường, cắt giảm khí thải.