Múa sư tử dân tộc của đồng bào Tày, Nùng là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa đựng nhiều thành tố âm nhạc, mỹ thuật, múa... có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Ðồng thời, múa sư tử còn chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” gắn liền với những ý thức và đạo lý cơ bản: Ý thức về cội nguồn, tinh thần thượng võ, đạo lý đối nhân xử thế giữa người với người, với thiên nhiên và con người với xã hội...
Nghệ nhân ưu tú loại hình múa sư tử Lâm Văn Ðầm, ở xã Quang Trung (huyện Bình Gia) chia sẻ: Từ khi còn nhỏ, những điệu múa sư tử độc đáo do bố và các cụ trong làng thực hiện đã tạo cho ông sự hứng thú, ý thức muốn tìm hiểu, làm theo. Bảy tuổi, ông đã bắt đầu theo bố và các chú, bác trong làng đi múa sư tử khắp trong, ngoài xã và được trực tiếp truyền dạy.
Ðến nay, với hơn 50 năm múa sư tử, ông có thể thực hành nhuần nhuyễn được các trò múa sư tử gồm: Múa ở miếu, múa chúc mừng năm mới, múa tại lễ hội, múa sư tử đón bạn chào nhau, múa thần nông, múa chào khán giả, múa đẻ con, múa võ tay không, gậy, đinh ba... và đã truyền dạy cho các đội múa sư tử các thôn, xã.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Bình Gia Hoàng Minh Ðông cho biết: Ðược sự quan tâm của huyện và các cấp, năm 2022, huyện đã tổ chức Liên hoan múa sư tử lần thứ nhất với 16 đội tham gia trong tổng số 29 đội múa sư tử của toàn huyện. Ðể tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn, trung tâm sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện kế hoạch cụ thể, phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhất là Phòng Giáo dục của huyện và các trường học mở các lớp dạy múa sư tử.
Cách đây hơn hai năm, ngày 5/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 741/QÐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030”. Ðề án đề ra quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn thông qua năm dự án gồm: Kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; phục dựng, bảo tồn một số điệu múa, trò diễn truyền thống trong múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; truyền dạy gắn với xây dựng, hình thành và khôi phục đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; tăng cường, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống về bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử gắn liền với phát triển du lịch...
Múa sư tử đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện Lạng Sơn đang xây dựng di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng thành một sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh, đóng vai trò nòng cốt và xuyên suốt tạo nên sự hấp dẫn riêng có của nền văn hóa xứ Lạng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Ðặng Ân
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 79 đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng, với hơn 910 thành viên, có mặt ở nhiều thôn, bản, khối phố của 40 xã, phường, thị trấn; trong đó có 725 nghệ nhân có thể thực hành các điệu múa, trò chơi và có 60 nghệ nhân có khả năng chế tác đầu sư tử và các đạo cụ. Mỗi đội sư tử thường có từ 8-16 người, gồm: người múa sư tử, đội múa võ dân tộc... Hằng năm, nhất là vào các dịp lễ Tết, lễ hội xuân, khắp nơi lại rộn ràng lễ hội múa sư tử. Loại hình di sản này được xem như hồn cốt của sự kiện, tạo nên lễ hội đậm đà, bản sắc riêng của Lạng Sơn, góp phần níu chân du khách gần xa mỗi lần về thăm xứ Lạng.