Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản ở Ninh Bình

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hàng chục cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Để bảo tồn và phát huy giá trị của cây di sản, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ cây di sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp; đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn các di tích và cây di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Cây bàng cổ thụ bên cổng chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình.
Cây bàng cổ thụ bên cổng chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình.

Chứng nhân lịch sử, văn hóa

Chùa Hưng Long, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình là ngôi chùa cổ trong khuôn viên chùa đang có 2 cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam: cây thị với 534 năm tuổi và cây bàng 236 năm tuổi, là những cây di sản đầu tiên được công nhận của tỉnh vào năm 2013.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hưng Long là nơi liên lạc, gặp gỡ, vận động gây dựng các phong trào yêu nước. Sân chùa cũng là nơi đặt hòm phiếu để cử tri toàn xã đi bỏ phiếu bầu cử năm 1946… Nhà chùa cũng đã dành một phần lớn diện tích đất cho nhà trường xây dựng thêm các phòng học, tạo điều kiện cho con em trong làng, trong xã học tập an toàn, tránh được bom, đạn. Dưới gốc cây thị, cây bàng, bao thế hệ học trò xưa đã tập đọc, tập viết những nét chữ đầu tiên. Sân chùa cũng là nơi tiễn đưa bao thế hệ con em Ninh Nhất lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ miền bắc, giải phóng miền nam.

Cán bộ văn hóa xã Ninh Nhất, Nguyễn Đức Lực cho biết, 2 cây cổ thụ tuy trải qua nhiều thế kỷ, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn xanh tốt và phát triển đến nay. Hằng năm, đây là điểm các trường đưa học sinh về trải nghiệm, tìm hiểu về các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Thời gian qua, xã đã tích cực vận động tuyên truyền phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng dân cư để giáo dục thế hệ sau nhớ về nguồn cội, tổ tiên cũng như bảo vệ môi trường sống, xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa trong lành, sạch đẹp.

“Tôi và người dân địa phương rất vinh dự và tự hào trong chùa có 2 cây di sản, đây là những nhân chứng lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của chúng tôi. Để cây mãi sống xanh tốt, hằng ngày, Phật tử chúng tôi luôn quét dọn sạch sẽ, tu bổ, chăm sóc”, bà Nguyễn Thị Liên, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình chia sẻ.

Vào tháng 11/2023 vừa qua, 2 cây lộc vừng, 1 cây bàng, 1 cây bồ đề đều hơn 200 năm tuổi nằm trong khuôn viên đình làng Yên Chỉ, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là ngôi đình cổ đang sở hữu số cây di sản nhiều nhất Ninh Bình.

Theo ông Trịnh Văn Thụ, Ban Quản lý đình làng Yên Chỉ, đình làng Yên Chỉ có lịch sử vài trăm năm và được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đình lập nên để thờ Tam vị Thánh Tản gồm: Quý Minh Đại Vương, Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn Đại Vương, là những vị thần có công với dân, với nước. Trong kháng chiến, nơi đây là căn cứ cách mạng quan trọng góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Tại đây đã thành lập đội tự vệ thôn, tổ chức rải truyền đơn cách mạng, tập luyện, họp bàn quân sự. Hiện nay, đình trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách.

Việc vinh danh những cây cổ thụ không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các nguồn gien tiêu biểu, giới thiệu sự phong phú của hệ thực vật tại Ninh Bình… mà còn là hoạt động quảng bá phát triển du lịch, tạo thêm sức hút về du lịch sinh thái của tỉnh. Đồng thời, việc làm này còn khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, nâng cao trách nhiệm cho cộng đồng đối với tự nhiên, môi trường, thúc đẩy kinh tế-xã hội của Ninh Bình phát triển theo hướng bền vững.

Cần có chính sách cụ thể để bảo tồn cây di sản

Tại Ninh Bình, các cây di sản được công nhận đều nằm trong khuôn viên di tích đền, chùa, tạo nên quần thể di sản độc đáo mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa truyền thống. Từ khi được công nhận, các cây di sản đều được gắn biển công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ theo đúng quy định của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Ông Quách Mai Hồng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản chủ yếu do chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận, hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản tại tỉnh. Vì vậy, tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng. Trong khi đó, các cây di sản đều có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn nhưng nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tử Tiến Lợi, trong thời gian tới, liên hiệp sẽ tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý, khai thác, bảo tồn và phục hồi cây di sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, chủ động nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học để bảo tồn cây di sản nói riêng và cây cổ thụ trên địa bàn tỉnh nói chung; hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học cùng phối hợp với các cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện khảo sát đánh giá tình hình thực trạng của từng cây để có hướng chăm sóc phù hợp.

Từ thực tế nêu trên, tỉnh Ninh Bình cần sớm có quy định, chính sách, cơ chế cụ thể về việc bảo tồn, bảo vệ cây di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị cây di sản. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ cây di sản.