Bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng trải rộng trên địa bàn tám xã, thị trấn với diện tích rộng gần 20 nghìn ha ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Năm qua, chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng bền vững nhằm bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ thiên nhiên rộng lớn này.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Ban Quản lý đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên thực hiện 583 buổi với hơn 2000 lượt người tham gia tuần tra Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng.
Năm 2022, Ban Quản lý đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên thực hiện 583 buổi với hơn 2000 lượt người tham gia tuần tra Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng.

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng là quần thể rừng tự nhiên trên núi đá vôi, đang lưu giữ, bảo tồn hàng nghìn loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Năm 2022 là năm thứ hai Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai phương án quản lý rừng bền vững với nhiều biện pháp, cách làm cụ thể, sát tình hình thực tiễn nên Khu dự trữ thiên nhiên không bị xâm hại, không để xảy ra cháy rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn ngày càng bền vững.

Triển khai phương án quản lý rừng bền vững, các trạm bảo vệ rừng Thần Sa-Phượng Hoàng đều xây dựng kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng sát thực tế. Đồng thời, thực hiện tốt các quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Võ Nhai, các xã trong khu vực và các tỉnh giáp ranh.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân trong và gần rừng; đôn đốc các thôn, bản, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng hằng tuần, đột xuất tuần tra, bảo vệ rừng tới tận tiểu khu, lô, khoảnh nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng.

Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng và người dân trong việc tuần tra, bảo vệ rừng nên chỉ tính riêng năm 2022 đã thực hiện 583 buổi với hơn 2.000 lượt người tham gia tuần tra, truy quét trên rừng và đã ngăn chặn, xử lý một số vụ khai thác rừng. Qua truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Thần Sa đã tháo dỡ, tiêu huỷ, tháo dỡ tám máy nổ, bốn máy nghiền đá, hai máy nén khí và các phương tiện khai thác khác.

Diện tích khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng trải rộng trên địa bàn tám xã, thị trấn, địa hình phức tạp, tầng thực bì dày, khô vào mùa hanh nên rất dễ xảy ra cháy. Ngăn chặn nguy cơ này, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên chủ động phương án phòng cháy chữa cháy với phương châm “bốn tại chỗ”, kiện toàn Ban chỉ huy, đội phòng cháy, chữa cháy và tuyên truyền, giám sát nguy cơ cháy đến tận thôn, bản nên thời gian qua không để cháy rừng xảy ra.

Cùng với những nỗ lực quản lý, bảo vệ rừng bền vững, năm 2022 Ban Quản lý đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thả một cá thể Cu li lớn, một cá thể Khỉ đuôi dài, năm cá thể Rắn ráo trâu thuộc Nhóm IB (thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) vào khu rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng. Với những nỗ lực đó, giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được bảo tồn và phát triển.

Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa các dân tộc, Ban Quản lý đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai xây dựng Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng giai đoạn 2022-2030 tại thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.