Chương trình do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Nhóm Nghiên cứu-Giảng dạy “Môi trường & tài nguyên sinh vật” (Đại học Đà Nẵng) phối hợp tổ chức.
Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, gần 12.000 loài thực vật có mạch, 330 loài thú, 918 loài và phân loài chim, 517 loài bò sát, gần 3.000 loài cá.
Tuy nhiên, các áp lực như: Mất rừng và suy thoái, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, săn bắt... đã đe dọa đến các loài sinh vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo danh mục Đỏ IUCN (2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.
Riêng vùng Tây Nguyên-Nam Trung Bộ có tới 36 khu vực đa dạng sinh học trọng yếu, hơn 3,76 triệu ha rừng tự nhiên, nhiều trung tâm đặc hữu thực vật, chim, bò sát, ếch nhái với nhiều loài đặc hữu. Ước tính sơ bộ hơn 5.000 loài thực vật, ít nhất 142 loài thú, 448 loài chim, hơn 120 loài bò sát và 84 loài lưỡng cư.
Với địa hình đa dạng, khu vực có độ đa dạng sinh học cao, tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, đa dạng sinh học có nguy cơ suy giảm đáng báo động.
Các địa phương cũng đang có nhiều mô hình hiệu quả trong bảo tồn động vật hoang dã và các hệ sinh thái quan trọng tại miền trung-Tây Nguyên như: Đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; Mô hình bảo tồn loài Chà vá chân xám tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai); Bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận); Mô hình bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái san hô Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Phục hồi và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Bình Sơn (Quảng Ngãi)…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên hiện trạng công tác bảo tồn đa dạng sinh học tập trung vào khu vực miền Trung-Tây Nguyên với nhiều góc độ như: Tính đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước; công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức; công tác quản lý và những chính sách có liên quan…
Chương trình cũng thảo luận đưa ra các giải pháp như: Thực hiện tuần tra, giám sát động vật hoang dã tại Bán đảo Sơn Trà; Treo bảng poster truyền thông tại các địa điểm công cộng ở tất cả các tỉnh miền trung-Tây Nguyên; tiếp tục xây dựng các vùng bán hoang dã, chăm sóc các loài động vật quý hiếm... nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Đây cũng là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng hợp tác, chia sẻ và cùng chung tay hành động, góp phần hiện thực hóa thông điệp “Thập niên phục hồi sinh thái” giai đoạn 2021-2030.