Huy động nguồn lực cho bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm

NDO - Sáng 22/11, Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) tổ chức họp tham vấn hoàn thiện “Chiến lược huy động nguồn lực cho bảo tồn loài tại Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển trình bày chiến lược huy động nguồn lực cho bảo tồn loài tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển trình bày chiến lược huy động nguồn lực cho bảo tồn loài tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết: Việt Nam là nước có đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng do các tác động của quá trình phát triển và săn bắn, buôn bán trái phép.

Cụ thể, theo IUCN, Việt Nam có 348 loài thú, 869 loài chim, 384 loài bò sát, 221 loài lưỡng cư và 2.041 loài cá. Trong số này, 75 (21%) loài thú, 57 (6%) loài chim, 75 (19%) loài bò sát, 53 (24%) loài lưỡng cư và 136 (7%) loài cá được liệt kê là các loài bị đe doạ (thuộc mức Cực kỳ nguy cấp - CR, Nguy cấp - EN hoặc Sắp nguy cấp - VU).

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực như xây dựng hệ thống các khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán trái phép. Tuy nhiên, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng, bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội, người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp.

Chia sẻ về dự thảo Chiến lược huy động nguồn lực cho nỗ lực bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm giai đoạn 2022-2030, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CCD cho biết: Mục tiêu của chiến lược nhằm huy động được một cách hiệu quả và bền vững các nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi quần thể của các loài hoang dã ở Việt Nam.

Chiến lược hướng tới việc xác định được các dòng vốn, nguồn đầu tư, nguồn đóng góp lâu dài và liên tục cho đa dạng sinh học, phục hồi các loài; xây dựng được cơ chế/định chế tài chính để huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học; xây dựng được các chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, pháp nhân tham gia đóng góp nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn và phục hồi loài.

Để thực hiện các mục tiêu đó, dự thảo chiến lược cũng đề ra một số giải pháp huy động nguồn lực tài chính như huy động từ nguồn ngân sách; nguồn xã hội hoá; nguồn hỗ trợ và đầu tư từ nước ngoài thông qua các dự án, chương trình bảo tồn.

Huy động nguồn lực cho bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm ảnh 1

Các đại biểu góp ý về chiến lược huy động nguồn lực cho bảo tồn loài.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất cần mở rộng các hình thức chi trả hiện đang áp dụng hiệu quả như chi trả dịch vụ môi trường rừng, hệ sinh thái, tín chỉ carbon; xây dựng các chương trình mục tiêu, các chương trình đầu tư ưu tiên như chương trình mục tiêu quốc gia về đa dạng sinh học, chương trình quốc gia đa dạng sinh học về bảo tồn loài nguy cấp, các hệ sinh thái đặc biệt, chương trình ưu tiên về phục hồi các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái bị suy thoái.

Dự thảo chiến lược nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, trình độ phù hợp với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được xem như là một mục tiêu quan trọng nhằm đảm bảo nguồn lực cần thiết cho các hoạt động bảo tồn lâu dài.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu trao đổi, góp ý vào dự thảo chiến lược; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến để thu hút nguồn lực cho công tác bảo tồn loài.

Kết thúc cuộc họp, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ghi nhận ý kiến của các đại biểu, đồng thời cho biết đây là những thông tin hữu ích cho việc hoàn thiện chiến lược huy động nguồn lực, hoàn thiện chính sách và quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy các sáng kiến thu hút, đóng góp nguồn lực từ tất cả các bên cho các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đặc biệt là ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam.

Diện tích rừng tự nhiên suy giảm, rừng trồng gia tăng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, giám đốc CCD, chỉ tính trong giai đoạn 2000-2018, diện tích rừng tự nhiên tại Việt Nam đã suy giảm khoảng gần 2.000km2 (4,42% so với tổng diện tích rừng), rừng ngập mặn giảm 154km2 (11,49%), rừng hỗn giao giảm 11.095km2 (32,33%) và rừng ngập nước giảm 1.784km2 (68,32%).

Ngược lại, đất trồng cây ăn quả và rừng trồng đã mở rộng lên tới 17%, tương đương với 10.367km2; diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng khoảng 10%, tương ứng với khoảng 800km2.