Báo động về các hình thái khí hậu cực đoan

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trên hành tinh, nhưng cảnh báo tác động ngày càng tăng của hiện tượng khí hậu El Nino có nguy cơ thiết lập kỷ lục nhiệt độ mới trong năm 2024. Thông tin của WMO là lời cảnh tỉnh đối với những hoạt động xâm hại môi trường đang làm “Mẹ thiên nhiên” nổi giận.
0:00 / 0:00
0:00
Một cô gái mang thùng nước tại trại Higlo dành cho những người phải di dời trong nước do hạn hán ở thị trấn Gode, vùng Somali, Ethiopia, ngày 27/4/2022. Ảnh: REUTERS
Một cô gái mang thùng nước tại trại Higlo dành cho những người phải di dời trong nước do hạn hán ở thị trấn Gode, vùng Somali, Ethiopia, ngày 27/4/2022. Ảnh: REUTERS

Năm 2023 phá vỡ mọi kỷ lục không mong muốn khi nhiệt độ trung bình hằng năm của hành tinh vượt mức thời kỳ tiền công nghiệp tới 1,450C.

WMO nhắc lại dữ liệu được Ðài quan sát châu Âu Copernicus cung cấp, kèm cảnh báo rằng Trái đất đang tiến gần đến giới hạn tăng 1,50C, mức nguy hiểm mà Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt ra.

Cảnh báo của WMO chỉ rõ, có đến 66% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng năm sẽ vượt mức tiền công nghiệp hơn 1,50C giai đoạn 2023-2027.

Người đứng đầu bộ phận giám sát khí hậu và phát triển chính sách tại WMO, ông Omar Baddour cho rằng, nếu các thông số phát thải khí nhà kính không đổi, chúng ta sẽ đối mặt tình trạng khí hậu toàn cầu tăng 1,50C mỗi năm vào cuối những năm 2040.

Những kỷ lục đáng buồn này có thể được giải thích bằng ba thông số, bao gồm khối lượng phát thải khí nhà kính, hiện tượng khí hậu El Nino bắt đầu vào mùa xuân năm 2023 và vụ phun trào núi lửa Tonga ở Thái Bình Dương từ đầu năm 2022 nhưng đến nay, một lượng hơi nước nóng khổng lồ vẫn bốc ra từ miệng núi lửa. Lượng hơi nước nóng này bốc lên và nguội đi ở tầng bình lưu sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.

Theo dự báo của các nhà khoa học khí hậu, hiệu ứng El Nino sẽ đạt đỉnh vào tháng 1 và sẽ tiếp tục đến hết mùa xuân năm 2024.

Thông thường, sau khi đạt đỉnh, hiện tượng này có tác động lớn nhất đến nhiệt độ, do đó các chuyên gia cho rằng thời tiết năm 2024 sẽ nóng hơn năm 2023.

Hiện tượng khí hậu phức tạp này ảnh hưởng tất cả khu vực trên thế giới nhưng có tác động trái ngược nhau. Chuyên gia Omar Baddour giải thích, ở khu vực Ðông Phi thuộc vùng liên nhiệt đới, thời tiết biểu hiện rất rõ ràng với lượng mưa lớn và nguy cơ lũ lụt mạnh. Ngược lại, miền nam châu Phi hoặc Brazil ở châu Mỹ Latin sẽ phải đối mặt hạn hán nghiêm trọng.

Tác động trái ngược và khó lường của khí hậu là điều rất đáng lo ngại vì nó có nguy cơ cướp đi sinh mạng của nhiều người và để lại những hậu quả dai dẳng đối với kinh tế-xã hội.

Trong năm 2023, các vụ cháy rừng đã phá hủy gần 400 triệu ha đất rừng trên toàn cầu, gây thương vong nhiều nhất tính từ đầu thế kỷ 21 với 250 người chết và tạo ra 6,5 tỷ tấn khí thải CO2.

Thế giới chưa thể quên những thảm họa kỷ lục trong lịch sử, trong đó gần đây nhất là lũ lụt ở Libya gây ra bởi cơn bão Daniel khiến hơn 10.000 người chết vào năm 2023. Hậu quả đợt lũ lụt vẫn còn hằn sâu trên khuôn mặt của hàng triệu người dân Libya và sẽ còn ảnh hưởng các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cũng như cuộc sống của người dân quốc gia Bắc Phi này trong nhiều năm tới.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến những vụ cháy rừng hoành hành từ Mỹ, Canada ở khu vực Bắc Mỹ; Hy Lạp, Tây Ban Nha ở châu Âu; Tunisia ở Bắc Phi đến Australia ở châu Ðại Dương.

Trong năm 2023, các vụ cháy rừng đã phá hủy gần 400 triệu ha đất rừng trên toàn cầu, gây thương vong nhiều nhất tính từ đầu thế kỷ 21 với 250 người chết và tạo ra 6,5 tỷ tấn khí thải CO2.

Theo bà Pauline Vilain-Carlotti, nhà nghiên cứu về địa lý và cháy rừng, các vụ cháy rừng năm 2023 với nguyên nhân chính bắt nguồn từ nắng nóng bất thường là ngoài tầm dự báo và kiểm soát của con người. Các vụ cháy rừng ở châu Mỹ năm 2023 gây thiệt hại cao nhất lịch sử, phá hủy gần 80 triệu ha rừng tại lục địa này.

Theo Hệ thống Thông tin về cháy rừng toàn cầu (GWIS), con số thiệt hại này cao gấp 1,5 lần so với diện tích của Tây Ban Nha và cao hơn 10 triệu ha so với mức trung bình trong cùng kỳ giai đoạn 2012-2022.

Trong số những vụ cháy rừng gây thương vong lớn phải kể đến đợt cháy rừng tại Hawaii (Mỹ) tháng 8/2023 làm 97 người chết và 31 người mất tích. Số người chết nêu trên khiến đợt cháy rừng này trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Hawaii, vượt qua trận sóng thần cướp đi sinh mạng của 61 người năm 1960.

Canada cũng trải qua một năm tồi tệ với 6.400 vụ cháy rừng lớn nhỏ, khiến hơn 200.000 người phải sơ tán, 18 triệu ha đất rừng bị thiêu rụi. Hy Lạp thì trở thành tâm điểm của các vụ cháy rừng ở châu Âu, nhiều vụ cháy rừng do tác động của thời tiết khô hạn và nắng nóng kéo dài - đã thiêu rụi khoảng 150.000ha rừng, khiến 26 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán.

Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nêu rõ, các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đáng báo động, khởi nguồn từ các hoạt động xâm hại thiên nhiên của con người. Ông kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên toàn cầu, qua đó giảm thảm họa thiên nhiên tàn khốc trong tương lai.