El Nino và tác động tới ngành lúa gạo
Theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC), El Nino là hiện tượng khí hậu tự nhiên có tính chu kỳ có thể xảy ra trong khoảng từ hai đến bảy năm một lần. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự nóng lên của mặt nước biển ở Thái Bình Dương, làm thay đổi lượng mưa và gió bề mặt, từ đó làm thay đổi dòng hải lưu và nhiệt độ mặt nước biển. El Nino thường kéo dài trong khoảng một năm và mỗi lần El Nino xảy ra đều khác nhau. Sự kiện El Nino được tuyên bố khi nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương cao hơn mức trung bình dài hạn.
Trong thời kỳ El Nino, áp suất không khí bề mặt cao hơn bình thường ở Đông Nam Á, tạo ra điều kiện khô hơn làm tăng nguy cơ cháy rừng trong khu vực. Với nhiệt độ ấm hơn thường theo sau các thời kỳ khô hạn hơn, hạn hán và sóng nhiệt có thể trở nên phổ biến, tùy thuộc vào cường độ của sự kiện El Nino. Mặc dù El Nino không phải là kết quả của biến đổi khí hậu, nhưng biến đổi khí hậu được cho là làm tăng tác động của El Nino.
Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ chính thức tuyên bố giai đoạn 2023-2024 sẽ là năm El Nino. Hiện tượng El Nino gần đây nhất diễn ra vào giai đoạn 2015-2016, với mức nhiệt cao kỷ lục, ảnh hưởng đến 60 triệu người trên toàn cầu. Đợt El Nino 2015-2016 thậm chí được gọi là Gozilla, tên của một quái vật viễn tưởng khổng lồ, bởi những tác động to lớn mà hiện tượng này gây ra.
Theo dữ liệu của Văn phòng Điều phối các vấn về nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), nhiệt độ ấm hơn và hạn hán kéo dài khiến sản lượng gạo năm 2016 của khu vực Đông Nam Á giảm tới 15 triệu tấn so cùng kỳ hai năm trước. Tại Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn nhất là tại các cánh đồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại ước tính 674 triệu USD, tương đương 0,35% GDP. Tại Philippines, gần 200.000 nông dân trồng lúa và ngô bị ảnh hưởng, khi sản lượng giảm 11% so năm 2014. Sự gián đoạn nguồn cung này khiến giá gạo toàn cầu khi đó tăng 16%.
Báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ngoài tác động đến cây lúa, sự kiện El Nino 2015-2016 còn khiến hơn 6.000 vật nuôi chết và 70.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Philippines cũng đối mặt hạn hán, đặc biệt ở khu vực miền trung và miền nam, khiến năng suất ngành thủy sản giảm 20%. Tại Campuchia, ước tính có 2,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi hạn hán, mất đất nông nghiệp và vật nuôi trong đợt El Nino 2015-2026.
Dự báo về sản lượng giai đoạn 2023-2024
Các nhà khoa học chưa thể đưa ra các con số chính xác về cường độ của sự kiện El Nino 2023-2024. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên chưa từng có của đại dương kể từ những tháng đầu năm 2023 có thể dẫn đến nhiệt độ sẽ phá mức kỷ lục vào năm 2024. Các nhà phân tích cảnh báo, sản lượng gạo có thể giảm ở mức tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua, vượt qua mức giảm trong giai đoạn 2015-2016.
Tờ The Guardian cho biết, nhiệt độ đại dương tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2023 là hiện tượng bất thường mà các nhà khoa học chưa giải thích được. Xét đến nhiệt độ đại dương cao kỷ lục vào năm 2023, các nghiên cứu chỉ ra rằng, El Nino có thể “rất mạnh” vào cuối năm nay, gây ra thời tiết ấm hơn ở Thailand, Myanmar, Lào và miền bắc Việt Nam, đồng thời cũng đem tới thời tiết khô hơn ở Indonesia, Philippines, miền nam Việt Nam, Campuchia và Malaysia. Vụ lúa đông và xuân tại các vùng trồng chính trong khu vực đều có khả năng chịu tác động của El Nino.
Ngành sản xuất lúa gạo cũng như hầu hết các ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào khí hậu thuận lợi. Đợt nắng nóng gần đây, từ tháng 3 đến tháng 5/2023, với nhiệt độ trên 450C ở Thailand, Myanmar, Lào và hơn 400C ở Campuchia, Việt Nam và Malaysia, đã làm trì hoãn vụ trồng lúa. El Nino dự kiến kéo dài thời tiết khô, ấm từ giữa năm 2023 đến giữa năm 2024, khiến cây trồng phải chịu áp lực nhiệt, ảnh hưởng sự tăng trưởng và năng suất. Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ở Philippines chỉ ra rằng, nhiệt độ ban đêm cứ tăng trung bình 10C trong mùa khô thì năng suất lúa sẽ giảm trung bình khoảng 10%.
Các nước Đông Nam Á đã đưa ra các phản ứng chính sách. Tháng 5/2023, chính quyền Thailand kêu gọi nông dân cắt giảm diện tích trồng lúa, chỉ còn sản xuất vụ hè thu để tiết kiệm nước, đồng thời chuyển sang các loại cây trồng chịu hạn. Việt Nam đã công bố Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, theo đó đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu, trong khi giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn. Indonesia đã nhập một triệu tấn gạo từ Ấn Độ để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn dự trữ và lạm phát giá cả.
El Nino 2023-2024 diễn ra đúng thời điểm Đông Nam Á đang trong quá trình phục hồi sau những đợt nắng nóng kỷ lục. Hai vựa lúa lớn nhất khu vực là Thailand và Việt Nam, đồng thời cũng là hai nhà xuất khẩu gạo thứ hai và thứ ba thế giới. Thailand, Việt Nam cùng với nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới Ấn Độ chiếm hơn một nửa lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Do đó, sản lượng giảm sẽ có tác động rất lớn đến nguồn cung gạo không chỉ ở Đông Nam Á, mà toàn thế giới. Trong khi đó, việc giảm thặng dư xuất khẩu cũng ảnh hưởng tất cả các nước nhập khẩu gạo lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore.
Các biện pháp ứng phó của khu vực
Theo các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, các quốc gia Đông Nam Á đã rút ra bài học từ các sự kiện El Nino trong quá khứ và đã đầu tư vào các hoạt động chuẩn bị, giảm nhẹ và giảm thấp nhất rủi ro. Các nước trong khu vực đều đã phát triển các chiến lược quy hoạch cấp quốc gia và địa phương để xây dựng các hệ thống phối hợp, chia sẻ nguồn lực cũng như thông tin.
Nhiều nghiên cứu đã được dành riêng để phát triển các giống lúa chịu nhiệt và chịu hạn trong khu vực. Các trung tâm nghiên cứu trọng điểm ở Đông Nam Á như IRRI, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Trung tâm Nghiên cứu lúa gạo Indonesia (ICRR) và 28 trung tâm lúa gạo của Cục Lúa gạo Thailand đã nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt.
Để giải quyết tình trạng hạn hán dự kiến, các kế hoạch quản lý nước và tưới tiêu cũng đã được xây dựng. Thailand đã phát triển một kế hoạch quản lý nước trên phạm vi toàn quốc. Malaysia đã thành lập một “phòng tác chiến” để giám sát các hồ chứa nước. Việt Nam xây dựng kế hoạch ứng phó hạn hán đến năm 2025, nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp tác động của El Nino kéo dài thêm ba năm. Các quốc gia Đông Nam Á có thể học hỏi lẫn nhau để cải thiện năng lực sẵn sàng ứng phó trong nước.
Ở cấp độ khu vực, ASMC đã phát triển hơn nữa năng lực cảnh báo khí tượng. Các hệ thống cảnh báo sớm đã được thiết lập như Hệ thống đánh giá nguy cơ hỏa hoạn khu vực (FDRS) ở Malaysia nhằm đánh giá nguy cơ cháy và dự đoán các đợt bùng phát cháy rừng, đồng thời giúp huy động nguồn lực để ứng phó sự cố. Hệ thống này hoạt động dựa trên 459 trạm khí tượng trên khắp ASEAN.
Hầu hết các nước Đông Nam Á đều có kho dự trữ gạo quốc gia. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã thành lập Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) vào năm 2011. Quỹ dự trữ này nhiều lần xoa dịu thị trường gạo kể từ khi thành lập. Năm 2008 khi Philippines rơi vào đợt siêu lạm phát gạo do thiếu nguồn cung, Nhật Bản đã đồng ý giải phóng kho dự trữ, giúp xoa dịu thị trường.
Trong quá khứ, El Nino đã gây ra những tác động kinh tế dai dẳng. Trong các đợt El Nino vào các năm 1982-1983 và 1997-1998, thiệt hại ước tính trên toàn cầu là khoảng 4.100 tỷ USD và 5.700 tỷ USD. Các nhà khoa học của ISEAS cho rằng, vẫn còn thời gian để các nước ở khu vực Đông Nam Á đưa ra kế hoạch ứng phó nhằm giảm bớt những tác động tồi tệ nhất từ El Nino. Đây cũng là thời điểm để cải thiện sự phối hợp giữa các cơ chế của ASEAN liên quan nông nghiệp, thực phẩm và thủy sản nhằm hướng tới khả năng chống chịu tốt hơn trước hiện tượng khí hậu này.