Miền Tây bảo vệ sản xuất trước El Nino

Do tác động của El Nino gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, dự báo thời gian tới, miền Tây sẽ đối diện với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt, đòi hỏi các địa phương tập trung giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất lúa đông-xuân.
0:00 / 0:00
0:00
Gieo sạ các giống lúa trên địa bàn tỉnh Long An.
Gieo sạ các giống lúa trên địa bàn tỉnh Long An.

Ðã đi qua đỉnh lũ

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, lũ đầu nguồn sông Cửu Long đã đạt đỉnh kỳ chính vụ vào ngày 16/10 vừa qua. Tại trạm Tân Châu, tỉnh An Giang trên sông Tiền đạt 3,09m, thấp hơn mức báo động một là 0,41m và thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm đến 0,81m; nếu so với đỉnh lũ năm 2022 thấp hơn 0,55m. Hiện mực nước sông đang trong xu hướng giảm dần…

Lũ thấp do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công về ít. Cụ thể, tổng lượng nước tại trạm Kratie ở Campuchia từ ngày 1/6-19/10/2023 đạt hơn 249 tỷ mét khối; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ nhỏ hơn khoảng 32 tỷ mét khối và nhỏ hơn năm 2022 khoảng 24 tỷ mét khối. Và do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino làm cho phần lớn khu vực thượng nguồn sông Mê Công mưa ít. Bên cạnh đó, các đập thủy điện thượng nguồn tăng cường tích nước. Tuy nhiên, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cũng lưu ý, tuy đỉnh lũ đã qua nhưng vùng giữa và ven biển ở miền Tây vẫn có nguy cơ ngập trong thời gian tới do triều cường khá cao, đặc biệt là các kỳ triều cường cuối tháng 10, 11 và 12. Thời gian tới, miền Tây sẽ đối diện với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt.

Còn theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mùa mưa năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng 11. Dự báo tổng lượng mưa năm 2023 khoảng 1.350mm, chỉ cao hơn 1% so với năm 2015 (năm hạn hán khốc liệt) và thiếu hụt khoảng 13% so với trung bình nhiều năm. Dự báo tình trạng thiếu nước ngọt tại một vùng 66.000 ha thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Viện này chỉ ra nguy cơ, do mùa mưa năm nay dự báo kết thúc sớm, khả năng xảy ra thiếu nước vùng sản xuất lúa-tôm tập trung ở Kiên Giang, Cà Mau với khoảng 38.000 ha. Hai địa phương này lưu ý bổ sung giải pháp về nguồn nước để đáp ứng độ mặn cho nuôi thủy sản.

Chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, ngoài các địa phương kể trên chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70 km. Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với độ mặn cao, một số vùng có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.

Cần nhiều giải pháp an toàn, hiệu quả

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch xuống giống vụ đông-xuân năm 2023 khoảng 1.475.060 ha, cao hơn 1% so diện tích xuống giống năm 2022. Đến nay các địa phương đã xuống giống được 134.757 ha, xấp xỉ 9% so kế hoạch xuống giống. Trong đó, các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng là ba tỉnh xuống giống được nhiều hơn các tỉnh còn lại.

Để né hạn mặn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung mới đây yêu cầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn-mặn; kịp thời ứng phó khi có hạn-mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: "Cánh đồng lớn", "3 giảm 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh học"…

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực miền Tây không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn. Hiện nay, vụ lúa-tôm toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 39.659 ha; lúa đông-xuân theo kế hoạch khoảng 35.000 ha. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã hoàn thành quy trình vận hành hệ thống cống tiểu vùng 2, 3 để phục vụ vụ lúa-tôm, trên nguyên tắc phối hợp chặt chẽ với hai huyện: Trần Văn Thời và U Minh; vận hành theo yêu cầu của địa phương, theo thực tế từng giai đoạn, để bảo vệ sản xuất đạt hiệu quả nhất.

Tại địa bàn huyện Châu Thành và Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), nông dân đã chủ động ứng phó hạn-mặn. Theo đó, người dân đã đào mương tích trữ để tưới tiêu vườn cây ăn trái. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, 61 tuổi, ngụ ở huyện Châu Thành cho biết, gia đình có vườn trồng sầu riêng, nên khi nghe tin dự báo hạn-mặn xảy ra, đã hoàn thành việc đào mương, rãnh để tích trữ nước ở ruộng. Đây là biện pháp trước mắt. Nếu mặn cứ tiếp tục dài hạn thì bà con nơi đây đã tính đến phương án đấu nối ống kéo nước ngọt về để tưới cây ăn trái.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp, trước những dự báo về khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô, tỉnh tập trung triển khai các mô hình canh tác lúa tiết kiệm nước nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên này với các tỉnh dưới hạ nguồn. Hiện Đồng Tháp có khoảng 100 mô hình nông nghiệp xanh trên toàn tỉnh, nên xác định sản xuất tiết kiệm nước để giúp cho người trồng lúa có thu nhập.

Các chuyên gia khuyến cáo, dự báo sẽ có khoảng 43.300 ha cây ăn trái ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi tác động của El Nino. Các địa phương cần lưu ý tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa khô. Vụ đông-xuân 2023-2024 cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong. Khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc.

Vượt qua thách thức El Nino đang đến gần, một giải pháp không thể thiếu là nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn. Một khi nhận thức được nâng cao, người dân sẽ chủ động rút kinh nghiệm, đưa ra nhiều sáng kiến, có phương án ứng phó và tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.