Bảo đảm tính chuyên môn, độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất

NDO - Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét lại thành phần Hội đồng thẩm định giá đất theo hướng nâng cao tính chuyên môn của Hội đồng, bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên họp chiều 11/5. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên họp chiều 11/5. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 11/5, trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến nhân dân.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các trường hợp miễn, giảm, ưu đãi tiền sử dụng đất

Dự thảo Luật quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 153) được thực hiện trong một số trường hợp, gồm: sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, người nghèo; sử dụng đất để xây dựng công trình cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn…

Liên quan nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể, tách bạch các trường hợp được “miễn” với trường hợp được “giảm” tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và mức giảm cụ thể cho các trường hợp khác nhau trong hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình.

Điểm l khoản 1 quy định “Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, trường hợp được miễn, giảm, ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cần được bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và phải được quy định tại luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các trường hợp miễn, giảm, ưu đãi.

Trường hợp cần thiết phải bổ sung sau khi Luật được ban hành, để linh hoạt trong điều hành cũng như phù hợp với từng thời kỳ, đề nghị quy định theo hướng đối với các trường hợp khác phải xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi triển khai.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng quy định tại điểm k khoản 1 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất không phải đất quốc phòng, an ninh cho mục đích quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp quân đội, công an; sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm tính công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Bảo đảm tính chuyên môn, độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Trường hợp sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, đề nghị quy định thống nhất đưa vào đất quốc phòng, đất an ninh (được giao đất không thu tiền sử dụng đất); trường hợp doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng vào mục đích kinh tế thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như các tổ chức kinh tế khác.

Đồng thời, cần làm rõ việc “sử dụng đất để xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang” là nhà ở thuộc sở hữu công thuộc lực lượng vũ trang hay được phép bán cho lực lượng vũ trang vì đây là loại đất không phải là đất quốc phòng, an ninh.

Bổ sung tiêu chí, quy trình giám sát các địa phương trong xây dựng bảng giá đất

Để thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hằng năm (khoản 1 Điều 155). Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025.

Luật Đất đai hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần, do đó, nếu có sự thay đổi về kỳ xây dựng bảng giá đất, cần đánh giá khả năng thực tế địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không.

Một số ý kiến cho rằng quy định ban hành bảng giá đất hằng năm sẽ làm tăng chi phí, thủ tục, thời gian và nhân lực khi không có biến động về giá đất, bởi không phải tất cả các loại đất, khu vực nào cũng có biến động về giá, đồng thời đối với những khu vực có giá đất tăng cao sẽ không được điều chỉnh kịp thời. Đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định 2-3 năm ban hành bảng giá đất, hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.

Có ý kiến đề nghị sau ngày 1/1/2026 (Bảng giá đất được áp dụng theo quy định của Luật này) xây dựng bảng giá đất ban đầu, hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xây dựng bảng giá đất hằng năm có ưu điểm là bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần, do đó, nếu có sự thay đổi về kỳ xây dựng bảng giá đất, cần đánh giá khả năng thực tế địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không.

Bảo đảm tính chuyên môn, độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất ảnh 2

Quang cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Bên cạnh đó, kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật tiếp tục quy định Ủy ban nhân dân cấp quyết định ban hành bảng giá đất định kỳ hằng năm sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua (khoản 1 Điều 155).

Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm.

Liên quan đến Hội đồng thẩm định giá đất (Điều 157), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung quy định mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, tuy nhiên cơ cấu thành phần tham gia hội đồng thẩm định giá đất còn mang tính chất hành chính, đa số là đại diện các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, khó bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định.

Bảo đảm tính độc lập giữa các cơ quan định giá, thẩm định giá và quyết định giá đất

Do đó, đề nghị xem xét lại thành phần Hội đồng thẩm định giá đất, để nâng cao tính chuyên môn, bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW là “… bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất”. Đồng thời, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đất; quy trình, thủ tục, thời gian thẩm định giá đất…

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị:

Đánh giá tính khả thi của quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện mời các chuyên gia độc lập tham gia vào Hội đồng thẩm định giá đất mà phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật.

Bổ sung, làm rõ việc tham gia của các chuyên gia thẩm định độc lập vào thành phần của Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất; làm rõ cách xử lý trong trường hợp không mời được chuyên gia độc lập, nghiên cứu có cơ chế để các chuyên gia độc lập sẵn sàng tham gia Hội đồng thẩm định.

Mặt khác, bảo đảm tính độc lập của các chuyên gia trong việc tham gia Hội đồng thẩm định, không bị chi phối với các lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể.