Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, thành phố hiện có hơn 270.000 doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động. Hầu hết doanh nghiệp đều nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn là hơn hai triệu người, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023, đạt 88,93% kế hoạch, chiếm 44,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2024, toàn thành phố có 93.539 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổng số tiền chậm đóng là 5.821 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng là 8,24%.
Bên cạnh đó, công nhân, người lao động cũng kiến nghị nhiều về các thủ tục hành chính khi giải quyết các hồ sơ bảo hiểm xã hội. Anh Đặng Vũ Long (Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam) cho biết, hiện nay, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội vẫn còn khá lòng vòng, mất thời gian giữa doanh nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội và người lao động. Việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội vẫn cần gửi lên cơ quan Bảo hiểm xã hội để xin dấu, mà không được công nhận thông tin trích xuất từ VssID - ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Người lao động rất mong cơ quan Bảo hiểm xã hội xúc tiến để đồng bộ dữ liệu, giảm các thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người lao động. Người lao động cũng nêu vấn đề, tình trạng nhiều người xin rút để hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người lao động, gia đình và các chính sách an sinh xã hội. Trước thực trạng này, thành phố có những giải pháp nào? Bên cạnh đó, nhiều vị trí việc làm như nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã hiện chỉ được hưởng phụ cấp và hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, mà chưa được hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội...
Giải đáp kiến nghị về vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử, Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ tổ chức đấu thầu để chọn ra đơn vị thực hiện chuyển phát trả kết quả nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và có chi phí thấp nhất.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ký hợp đồng với Bưu điện Hà Nội về việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, chi phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả. Với đơn vị công lập chỉ cần đăng ký hồ sơ gửi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan sẽ tổ chức trả hồ sơ tại trụ sở đơn vị sử dụng lao động, đơn vị hoàn toàn không mất phí.
Liên quan vấn đề rút bảo hiểm một lần, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tại thành phố Hà Nội, người rút bảo hiểm xã hội một lần không nhiều như các tỉnh phía nam nhưng có xu hướng tăng lên. Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già.
Ngoài mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022, cụ thể là hỗ trợ thêm 30%, 25%, 10% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lần lượt đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Những người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng khi về già, họ lại thành gánh nặng cho con cháu khi không có lương hưu. Thời gian tới, các cơ quan cũng cần tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ, có thêm nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài. Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động về tiền lương, tiền công, bảo hiểm... để có những quyết sách phù hợp”.