Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn

Những năm qua, trên địa bàn cả nước đã có hàng nghìn công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng ở các vùng nông thôn, nhất là các khu vực vùng sâu, xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Nhà máy nước An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) vệ sinh bể lắng.
Công nhân Nhà máy nước An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) vệ sinh bể lắng.

Các công trình cấp nước đưa vào sử dụng đã giúp tăng tỷ lệ người dân vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài 1: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 97% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 57% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Kết quả này có được là do Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng cấp nước ở nông thôn; đồng thời nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cấp nước sinh hoạt tập trung ở vùng nông thôn...

Theo thông tin từ Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến hết năm 2023 cả nước có khoảng 18.000 công trình cấp nước nông thôn tập trung, cấp nước cho khoảng 32 triệu người dân.

Niềm vui khi có nước sinh hoạt

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm đầu tư các công trình nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, nhất là các huyện vùng cao núi đá phía bắc thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn.

Ngay từ năm 2000, tỉnh đã triển khai chương trình “mái nhà, bể nước, con bò” nhằm hỗ trợ các huyện vùng cao ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Theo chương trình này, hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước quy mô hộ gia đình dưới 10 m3.

Theo thông tin từ Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến hết năm 2023 cả nước có khoảng 18.000 công trình cấp nước nông thôn tập trung, cấp nước cho khoảng 32 triệu người dân.

Bể nước hộ gia đình đã giúp người dân vùng cao không còn cảnh phải đi xa gùi nước về sinh hoạt hằng ngày.Tuy nhiên, do dung tích bể chứa nước hộ gia đình nhỏ cho nên chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước trong mùa mưa, còn vào mùa khô tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó, cùng với việc hỗ trợ xây dựng bể nước, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước tự chảy và hồ treo trữ nước.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang có hơn 900 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có 781 công trình cấp nước tự chảy... Các công trình đã góp phần bảo đảm nguồn nước cho nhân dân, nhất là ở các địa phương vùng cao thường xuyên khan hiếm nước sinh hoạt trong mùa khô.

Qua thống kê, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 94%. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở Hà Giang đã được đầu tư bài bản và đồng bộ hơn.

Điển hình là những công trình cấp nước tự chảy được đầu tư khép kín, từ hệ thống đập đầu nguồn, đến hệ thống bể lắng lọc, đường ống dẫn nước và lắp đặt vòi nước đến từng hộ gia đình. Điều đáng mừng là các công trình này khi đưa vào sử dụng hoạt động bền vững hơn do việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và người dân có ý thức bảo vệ.

Trước kia, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) sử dụng nước giếng khoan hoặc nước nguồn trên núi. Nhưng do trên địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản và người dân chăn thả gia súc đầu nguồn cho nên nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Từ năm 2019 đến năm 2021, Nhà nước đầu tư cho xã Tùng Bá ba công trình nước sinh hoạt tự chảy.

Ông Mã Văn Lưu, Tổ trưởng quản lý nước sạch xã Tùng Bá cho biết: “Khi các công trình mới đưa vào vận hành, việc thu tiền của người dân gặp khó khăn do từ trước đến nay đồng bào vẫn có thói quen dùng nước tự nhiên. Tuy nhiên, sau vài tháng được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nguồn nước ổn định, nhất là trong thời gian mưa, lũ cho nên ý thức người dân dần thay đổi.

Ban đầu, chỉ có hơn 700 hộ đăng ký sử dụng nước từ các công trình nhưng đến nay đã có gần 850 hộ sử dụng. Các hộ sử dụng nước cũng có ý thức trong việc thanh toán tiền nước cho tổ quản lý nhằm phục vụ công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tùng Bá Vi Hữu Quỳnh: “Ba công trình nước mới đưa vào hoạt động đã góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí về nước sinh hoạt nông thôn. Hiện nay, tất cả các hộ dân trong xã đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 50% được sử dụng nước sạch”.

Ông Lương Văn Tuân, thôn Tá Cà, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên cho biết: “Trước kia, gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan nhưng không bảo đảm do gần suối Ma bị ô nhiễm bởi hoạt động khai thác khoáng sản. Năm 2021, gia đình tôi được sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tự chảy. Từ khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, gia đình tôi và các hộ trong thôn rất vui vì nước bảo đảm, góp phần giúp chất lượng cuộc sống được nâng lên”.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 98 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với hệ thống mạng lưới cấp nước cơ bản phủ kín khắp các vùng nông thôn. Từ khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đời sống nhân dân nhiều vùng nông thôn đã thay đổi đáng kể.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Văn Chín, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, cho biết: “Hơn mười năm qua, gia đình tôi đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Hiện nay, mỗi tháng bình quân sáu người trong gia đình tôi sử dụng hết khoảng 10 m3. Điều đáng mừng là nguồn nước luôn bảo đảm chất lượng, áp lực nước chảy về tốt. Từ khi có nước hợp vệ sinh sử dụng, gia đình tôi không còn dùng nước mưa, giếng khoan như trước đây nữa”.

Tín hiệu tích cực từ xã hội hóa cấp nước

Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết: Hiện nay, mô hình doanh nghiệp tham gia vào cấp nước đang được các địa phương quan tâm triển khai, bởi khi các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn do chủ động được nguồn vốn và quản lý vận hành, có kinh phí duy tu bảo dưỡng.

Vì vậy, khi đi vào hoạt động các công trình phát huy hiệu quả tốt. Đây là mô hình quản lý bền vững, chuyên nghiệp, năng động, chủ động về tài chính và cần được nhân rộng. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hải Dương Đỗ Tiến Bậc cũng cho rằng: “Những năm qua, công tác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng nông thôn ở tỉnh đã được quan tâm cho nên đã đạt được kết quả tích cực.

Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn ảnh 1

Người dân xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) vui mừng khi được sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Đáng chú ý, công tác xã hội hóa cấp nước được 23 doanh nghiệp tham gia, giúp nâng cao tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 98%”.

Là một trong những đơn vị tham gia lĩnh vực cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, thời gian qua, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn (Hải Dương) đã đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao công suất và chất lượng nước phục vụ nhân dân.

Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc công ty Đặng Văn Nam cho biết: Hiện nay, Nhà máy nước An Bình của công ty đang thực hiện cấp nước sinh hoạt cho 19.215 hộ dân chín xã ở huyện Nam Sách.

Vừa qua, công ty đã đầu tư kinh phí lắp đặt công nghệ mới để nâng cao công suất và chất lượng nước tốt hơn phục vụ nhu cầu của người dân. Công ty đang trong quá trình nâng cấp công suất từ 10.000 m3/ngày/đêm lên 40.000 m3/ngày/đêm để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Là một trong những hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ Nhà máy nước An Bình, anh Nguyễn Văn Hồng ở thôn Đông Nghĩa, xã An Lâm, huyện Nam Sách chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gia đình tôi chủ yếu sử dụng nước mưa, nước giếng nhưng chất lượng không bảo đảm. Từ năm 2013, gia đình tôi sử dụng nước sinh hoạt của Nhà máy nước An Bình thấy chất lượng nước tốt hơn rất nhiều, nguồn nước lại ổn định”.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương Nguyễn Thanh Sơn: Những năm qua, công ty không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới cấp nước theo chuỗi, vùng để phục vụ nhân dân, nhất là vùng nông thôn góp phần tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh.

Để nguồn nước luôn bảo đảm chất lượng trước khi đến với khách hàng, công ty ứng dụng thành công các dự án khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giảm giá thành. Đến nay, công ty đang cấp nước cho nhân dân ở 148 xã, phường trên địa bàn tỉnh Hải Dương với 262 nghìn khách hàng.

Còn theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương Đặng Đức Thành: Hiện nay, công ty đang quản lý cấp nước trực tiếp cho 103.712 khách hàng trên địa bàn 47 xã. Nhằm bảo đảm nguồn nước cho người dân, các nhà máy nước của công ty hoạt động đủ thời gian, lưu lượng và áp lực nước.

Những tháng đầu năm 2024, khi nguồn nước sông ở một số nhà máy bị nhiễm mặn kéo dài nhưng vẫn bảo đảm được số lượng, chất lượng nước phục vụ nhân dân do đã chủ động phương án. Ngoài ra, công ty cũng luôn theo dõi nhu cầu sử dụng nước, lượng nước về để điều tiết cấp nước hợp lý giữ các khu vực; chủ động tích trữ nước để tăng cường sản xuất phục vụ nhân dân trong những thời điểm nắng nóng, nghỉ lễ, Tết...”.

(Còn nữa)