Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn: Khắc phục bất cập trong quản lý công trình sau đầu tư

Việc cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn hiện nay đang gặp những khó khăn do nhiều công trình giao cho ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng quản lý bị hư hỏng, xuống cấp; một số công trình thu tiền nước không đủ bù chi, thậm chí không đủ để trang trải cho quản lý, vận hành và sửa chữa nhỏ...

0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) dùng nước sạch từ công trình nước do Bộ đội Biên phòng tặng. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) dùng nước sạch từ công trình nước do Bộ đội Biên phòng tặng. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn; đến năm 2045 phấn đấu tất cả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.

Theo Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh, hiện nay, cả nước có khoảng 5.976 công trình cấp nước tập trung nông thôn (chiếm 33%) hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do các công trình có công suất nhỏ (dưới 50 m3/ngày/đêm) và được đầu tư xây dựng lâu, không còn hồ sơ và đã hết khấu hao công trình; giá nước ở nhiều nơi được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, dẫn tới thu không đủ bù chi. Việc thiếu kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì dẫn đến các công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng; công suất hoạt động của công trình không bảo đảm số lượng, chất lượng; gián đoạn hoặc ngừng cấp nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân khu vực nông thôn.

Ngoài ra, một số địa phương chỉ chú trọng đến xây dựng công trình mới mà chưa quan tâm việc duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình cũ; chưa hoàn thành thủ tục thanh lý các công trình đã hết khấu hao và không còn khả năng cung cấp nước; ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, ý thức của người dân trong việc sử dụng nước và bảo vệ công trình chưa cao.

Qua thống kê, hiện nay công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do ủy ban nhân dân xã, hợp tác xã và cộng đồng quản lý, vận hành khoảng 13.500, chiếm 74% tổng số công trình. Việc quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư và bàn giao cho ủy ban nhân dân xã, hợp tác xã và cộng đồng quản lý, vận hành còn nhiều bất cập. Trong các mô hình này tổ chức quản lý, vận hành, tính chuyên nghiệp hạn chế cho nên chưa phát huy hiệu quả và thiếu bền vững; năng lực cán bộ quản lý kỹ thuật, tài chính còn yếu; việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, khai thác và vận hành công trình chưa được quan tâm.

Ngoài ra, việc thực hiện cấp nước an toàn khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm, nguồn nước mặt có nguy cơ ô nhiễm cao; chất lượng nước không ổn định trong khi các công trình cấp nước sạch nông thôn chủ yếu là công trình có quy mô công suất vừa và nhỏ, năng lực khai thác thấp. Bên cạnh đó, mô hình do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý được hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, mặc dù quản lý vận hành được tổ chức khá chuyên nghiệp, hoạt động khá hiệu quả nhưng do vẫn còn được bao cấp nên thiếu năng động, còn hạn chế phát triển theo hướng thị trường.

Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Giang Trần Xuân Dương cho biết: Mặc dù số công trình nước sinh hoạt nông thôn tại Hà Giang được đầu tư nhiều nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, phục vụ cho nhóm hộ gia đình nên hiệu quả cấp nước chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều công trình được đầu tư chưa đồng bộ, công nghệ xử lý đơn giản nên tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới chỉ đạt hơn 23%. Hiện nay, số công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn thu tiền nước của người dân rất ít; công tác quản lý các công trình của chính quyền huyện, xã chưa thật sự sâu sát; năng lực quản lý, vận hành của các tổ quản lý nước ở cơ sở yếu; nhiều công trình không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.

Tại Hà Giang, các công trình nước sinh hoạt được đầu tư ở khu vực nông thôn, do địa hình đồi núi, khe suối cho nên thường xuyên bị hư hỏng do mưa lũ, sạt lở đất; ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình chưa cao, nhiều hộ còn tự ý đục đường ống để dẫn nước về nhà khiến công trình hư hỏng. Vì vậy, rất nhiều công trình sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng, không được tu sửa dẫn đến ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Theo rà soát, toàn tỉnh có 342 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, trong đó có 153 công trình kém hiệu quả cần tu sửa và 189 công trình ngừng hoạt động đề nghị thanh lý.

Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho rằng, thời gian tới cần tổ chức quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn theo một số mô hình phù hợp từng loại hình, vùng miền, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác quản lý khai thác, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Từ đó, bảo đảm công trình cấp nước nông thôn hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần rà soát các công trình không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả để có các phương án xử lý; hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới và hải đảo.

Cùng với đó, các địa phương cần có đề án và ưu tiên mở rộng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp; có phương án bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác quản lý khai thác, vận hành, xử lý khắc phục sự cố, bảo vệ công trình cấp nước; rà soát, đánh giá và hoàn thiện mô hình cộng đồng quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước tập trung.

Đặc biệt, cần chuyển đổi mô hình quản lý công trình cấp nước kém hiệu quả sang mô hình quản lý hiệu quả hơn như: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, công ty cổ phần, công ty khai thác công trình thủy lợi...; bố trí lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp công trình phát huy hiệu quả; hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn, nhất là các công trình bàn giao cho ủy ban nhân dân xã quản lý. Đồng thời, xây dựng quy trình vận hành và bảo trì toàn bộ hệ thống cấp nước; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình và vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước.

Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình. Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.

Cùng với đó, cần thực hiện các giải pháp cấp nước quy mô hộ gia đình đối với những vùng gặp khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước tập trung hoặc đầu tư công trình cấp nước tập trung không hiệu quả, vùng chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung; nhất là các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước; huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý vận hành và bảo vệ công trình cấp nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” với hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị chuyên trách...