Bảo đảm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tăng khoảng 8%-10% so với cùng kỳ năm 2022, vì vậy các địa phương và doanh nghiệp sản xuất, thương mại đã mạnh tay chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ thị trường với mức tăng khoảng 10%-12% so với cùng kỳ năm 2022. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, rất có thể giá một số mặt hàng sẽ tăng nhẹ so năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua hàng Tết tại siêu thị Big C (Hà Nội). (Ảnh: ANH AN)
Người dân mua hàng Tết tại siêu thị Big C (Hà Nội). (Ảnh: ANH AN)

Bù lại, các doanh nghiệp bán lẻ cam kết sẽ tung ra nhiều chương trình bình ổn, khuyến mại dịp Tết từ rất sớm nhằm kích cầu tiêu dùng do năm nay dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau.

Tất bật chuẩn bị nguồn hàng

Để bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết với chất lượng tốt, giá cả ổn định trong bối cảnh đa phần nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá, đã có rất nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng “chạy nước rút” sản xuất và dự trữ nguồn hàng bằng cách thu mua nguyên liệu từ rất sớm.

Thậm chí, doanh nghiệp tìm kiếm thêm nhiều đối tác là các nhà cung cấp, tối ưu hóa chi phí nhằm sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng. Với mặt hàng bánh kẹo, nhiều thương hiệu lớn trong nước đang nỗ lực làm chủ thị trường, như Công ty cổ phần Bibica phấn đấu đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán hơn 2.000 tấn bánh kẹo, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Để làm được điều này, ngay từ cuối tháng 10, Bibica đã tung bánh kẹo Tết vào 120.000 điểm bán lẻ và hơn 3.000 siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở 63 tỉnh, thành phố. Bibica cũng vừa cho ra mắt ứng dụng Bibica app shop tạo thuận tiện cho người tiêu dùng mua hàng thông qua kênh thương mại điện tử. Tương tự, Mondelez Kinh Đô tung ra thị trường 38 bộ sản phẩm bánh kẹo Tết của các thương hiệu toàn cầu nổi tiếng cùng nhiều thương hiệu địa phương đã hiện diện lâu nay tại thị trường Việt Nam như: Cosy, AFC, Oreo, Solite, LU, Cadbury, Slide,...

Các doanh nghiệp bán lẻ cam kết sẽ tung ra nhiều chương trình bình ổn, khuyến mại dịp Tết từ rất sớm nhằm kích cầu tiêu dùng do năm nay dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau.

Những sản phẩm này được phân phối qua gần 200.000 điểm bán trên toàn quốc và các kênh thương mại điện tử phổ biến với đa dạng các loại bánh quy cao cấp, bánh dinh dưỡng, bánh bông lan cùng thiết kế bao bì đậm chất Tết Việt.

Về phía đơn vị sản xuất thực phẩm, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% với tổng giá trị hàng hóa hơn 710 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đặc biệt, nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ có giá ổn định, Vissan cam kết giữ giá bán thực phẩm, và trong 3 ngày từ 28 đến 30 tháng Chạp, Vissan khuyến mại giảm giá 5%-10% tại các điểm bán của Vissan.

Có thể nói, đây là thời điểm vàng của các cơ sở, doanh nghiệp trong ngành thực phẩm. Ngoài làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nguồn cung, một số cơ sở phải tuyển thêm công nhân địa phương, tăng ca sản xuất.

Với các loại thực phẩm chế biến khác như thịt lợn muối, nem chua, phần lớn cơ sở sản xuất đều kỳ vọng nhu cầu của thị trường Tết năm nay sẽ tăng mạnh so năm trước. Cầm trên tay sản phẩm OCOP 3 sao mang thương hiệu “Thịt lợn muối An Tâm”, anh Lê Văn Tòng, chủ Cơ sở sản xuất An Tâm tại xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chia sẻ: “Nếu Tết năm ngoái cơ sở bán được khoảng 3 tấn thịt lợn muối, thì năm nay dù chưa hết tháng 12 đã có 4,5 tấn sản phẩm được sản xuất và giao đến tay khách hàng.

Để bước vào “cao điểm” sản xuất lớn nhất trong năm, cơ sở sản xuất thịt lợn muối của chúng tôi đang tăng thêm nhân công, tích cực thu mua thịt lợn để sản xuất kịp thời cho các đơn đặt hàng vào dịp Tết. Uớc tính từ nay đến 28 tháng Chạp sẽ cung cấp thêm cho thị trường hơn 1 tấn thịt lợn”.

Kỳ vọng sức mua tăng

Các doanh nghiệp phân phối cơ bản chuẩn bị tốt nguồn hàng dự trữ cho nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán. Một số hệ thống siêu thị lớn như: Mega Market, Big C, Hapro Mart, Co.opmart, Winmart, Intimex,… đã hoàn tất công tác phục vụ hàng Tết.

Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị này vẫn chiếm ưu thế. Khảo sát của chúng tôi tại một số siêu thị cho thấy những tín hiệu đáng mừng khi có đến hơn 90% hàng hóa đang bán là sản phẩm Việt Nam, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ đạt chất lượng VietGAP, GlobalGAP. Tuy nhiên, hiện phần lớn nhà bán lẻ đều đang “nín thở” chờ đợi sức mua của người dân.

Bảo đảm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán ảnh 1

Hàng bánh kẹo Tết năm nay có mẫu mã đẹp mắt.

Điều họ lo lắng nhất là biến động thị trường từ cuối quý III đến nay khi sức mua đang có dấu hiệu chững lại. Để giải quyết, các nhà sản xuất và phân phối cho biết sẽ phải đẩy mạnh thêm nhiều chương trình khuyến mãi, thậm chí buộc giảm lợi nhuận với một số nhóm hàng để bảo đảm kế hoạch tiêu thụ đã đề ra trước đó.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị GO!, Big C (Tập đoàn Central Retail) khu vực miền bắc cho biết, đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào tại hệ thống siêu thị của mình từ rất sớm.

Tất cả các sản phẩm Tết, bao gồm bánh kẹo Tết, nước ngọt, bia, rượu sẽ có giá cạnh tranh cùng nhiều chương trình khuyến mãi như: mua một tặng một, giảm giá 50% và giá chỉ dành cho khách hàng là thành viên của các siêu thị.

Đại diện nhà bán lẻ WinCommerce đang mở mới thêm khoảng 300 siêu thị, cửa hàng tiện ích Winmart và Winmart+, trong đó đưa 80-120 cửa hàng Win đa tiện ích vào hoạt động trong năm 2022. Hệ thống này cũng chuẩn bị nguồn hàng tươi sống tăng 30% so với thời điểm thông thường.

Với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng tăng so với năm ngoái, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường bình ổn.

Quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô dịp Tết Nguyên đán đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so năm 2022). Các cơ sở cũng tăng sản xuất thêm tối thiểu 30%, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm.

Với việc phân phối, Sở đã yêu cầu toàn bộ hệ thống bán lẻ truyền thống (28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi) và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa ở các quận, huyện, thị xã, thị trấn vào cuộc. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội còn huy động các kênh bán hàng đa phương tiện bao gồm: 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối trực tuyến qua điện thoại, website,...

Đối với thị trường TP Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Sở Công thương thành phố, các doanh nghiệp đã dành 22.000 tỷ đồng dự trữ hơn 30.000 tấn hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2023 (tăng 15%-30% so năm 2022), tập trung vào trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến,...

Đáng chú ý, Sở Công thương đã đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, xây dựng, dự trữ nguồn hàng chiếm 25%- 43% so với nhu cầu của người dân thành phố, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm. Các doanh nghiệp này cũng cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước và sau Tết.