Vấn đề trọng tâm đặt ra là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành luật trong trường hợp đẩy nhanh hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6, mới chỉ có một trong 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có hai nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành. Đối với các văn bản của địa phương được giao ban hành, hồ sơ dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm (văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở; ngoài ra, có những văn bản có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được).
Hơn nữa, qua rà soát, vẫn còn phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở; có nội dung của Luật Kinh doanh bất động sản nếu thi hành sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…
Như vậy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn để bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản cần được ban hành. Một số địa phương quan ngại về việc chưa thể ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật. Thậm chí, có địa phương cho rằng, dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương được ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày 1/8.
Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành văn bản hướng dẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật; dễ tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; thậm chí tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến phản ứng xã hội và gia tăng tình hình khiếu nại, khiếu kiện.
Việc thi hành càng sớm các luật nêu trên sẽ góp phần quan trọng khắc phục bất cập trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Doanh nghiệp, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Vấn đề quan trọng hiện nay là để có đầy đủ cơ sở, thông tin cho Quốc hội xem xét, quyết định, Chính phủ cần khẩn trương báo cáo bổ sung về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Trung ương và các địa phương; đặc biệt cần phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đánh giá kỹ những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế-xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành, nhất là ảnh hưởng, tác động môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, phản ứng, tâm lý của xã hội.