Bảo đảm dạy và học sau mưa lũ

Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang bị thiệt hại nặng nề về tài sản, nhiều đồ dùng, trang thiết bị dạy và học bị ngập nước, hư hỏng. Ngay sau khi nước lũ rút, các trường học bắt tay dọn dẹp, sửa chữa, mua mới sách giáo khoa để đón học sinh quay trở lại trường học tập, bảo đảm công tác dạy và học theo đúng kế hoạch.
Điểm trường Cao Lù, Trường tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã ổn định việc dạy và học.
Điểm trường Cao Lù, Trường tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã ổn định việc dạy và học.

Vượt qua khó khăn

Trong đợt mưa lũ xảy ra đầu tháng 9, ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại nặng nề. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư chia sẻ, ngành có chín giáo viên, học sinh tử vong do sạt lở đất. Phòng học, nhà làm việc, nhà công vụ giáo viên ở 40 trường học bị tốc mái, nứt đổ, sạt lở và nguy cơ sạt lở; nhiều trường học bị ngập, hư hỏng, mất trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa...

Trường tiểu học Ca Thành, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình có 358 học sinh, 39 giáo viên, với 24 lớp ở tám điểm trường. Trong đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua, có sáu học sinh bị thương, có thân nhân tử vong, nhà bị sập đổ. Tại điểm trường chính ở lưng chừng đồi đã xuất hiện vết nứt chạy dài từ khu nhà công vụ giáo viên, qua nhà hiệu bộ, đến ba phòng học; bờ kè bị sạt lở, vết sạt ăn sâu vào sân trường. Hiệu trưởng Trường tiểu học Ca Thành, Hoàng Thị Hường lo lắng: Ba phòng học có vết nứt chạy qua nền đất, do đó ba lớp phải chuyển sang Trường mầm non Xa Thành học nhờ để bảo đảm an toàn. Lo nhất là một số giáo viên vẫn phải ở tạm trong phòng nghỉ ở khu vực có nguy cơ sạt lở; khi trời mưa, phải khẩn cấp di tản. Do lớp học quây bạt, mùa hè thì nắng nóng; khi mưa gió thì rét, lạnh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trước nguy cơ sạt lở tại Trường tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình dự kiến sẽ xây dựng mới điểm trường chính ở xóm Nộc Xoa, cách vị trí điểm trường chính bây giờ khoảng 4 km. Dẫu vậy, khó có thể đón cô và trò vào dạy và học trong năm học này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình Vi Thị Hương cho biết: Ở các trường bị ngập, các thầy cô đã phối hợp, chủ động dọn vệ sinh, ổn định trường lớp, dạy và học như bình thường. Riêng các trường ở nơi có nguy cơ sạt lở, các đơn vị đã di dời tài sản đến nơi an toàn và tận dụng cơ sở vật chất trường học gần đó làm nơi học tập tạm thời trong lúc chờ biện pháp khắc phục.

Tại Tuyên Quang, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có 33 trường học bị ngập, sạt lở, trong đó có 15 trường mầm non, tám trường tiểu học, sáu trường THCS và bốn trường THPT. Hơn 2.000 học sinh bị ngập nhà, sạt lở đất, đồ dùng, sách vở bị lũ cuốn trôi...

Bảo đảm dạy và học sau mưa lũ ảnh 1

Đại diện lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và ngành Giáo dục tỉnh thăm, động viên cán bộ, giáo viên các trường học bị ngập trong bão, lũ.

Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) bị ngập các phòng học ở tầng 1, khiến nhiều bàn ghế bằng gỗ ép bị hỏng nặng. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay sau khi nước rút nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng nhà trường vệ sinh khuôn viên, phòng học, phối hợp cơ sở y tế phun khử khuẩn và từ ngày 14/9 nhà trường đã đón học sinh trở lại học tập.

Với quyết tâm sớm đón học sinh trở lại trường, các thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Chiêm Hóa đã gác lại việc dọn dẹp nhà riêng, ưu tiên vệ sinh trường, lớp trước. Đợt lũ vừa qua, nhà ở công vụ cho giáo viên và nhà ở nội trú cho học sinh của trường bị chìm sâu dưới nước. Lũ rút đi, các đồ dùng đều bị hỏng, đường điện phải thay thế, nhà bếp ăn cho học sinh bị sụt lún, phòng ở của nhân viên bị sạt lở...

Sớm ổn định việc dạy và học

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, yêu cầu các trường học phối hợp, khẩn trương tổng vệ sinh trường lớp; kết nối nguồn lực hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, khắc phục khó khăn, sớm ổn định việc dạy và học. Ngành giáo dục và các địa phương yêu cầu từng trường học kiểm tra kỹ, rà soát mức độ an toàn của trường, lớp học mới; địa điểm nào chưa an toàn thì di chuyển sang địa điểm khác... Theo thống kê, từ ngày 23/9, toàn bộ trường học trên địa bàn đã đi vào dạy và học bình thường.

Những ngày qua, nhiều đoàn từ thiện đã hỗ trợ gia đình các giáo viên, học sinh của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) về vật chất và tinh thần để thầy, trò sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Được sự ủy quyền của nhóm Thiện Tâm (ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), phóng viên Báo Nhân Dân tại Cao Bằng đã cùng cán bộ huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo đến trao tiền hỗ trợ tặng gia đình 30 giáo viên, học sinh bị thương, tử vong, có người thân tử vong trong các đợt sạt lở đất vừa qua.

Trong ngày đầu đón học sinh đến trường sau mưa lũ, các trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ổn định nền nếp, tiếp tục kế hoạch của năm học, đồng thời hỗ trợ các học sinh bị ảnh hưởng do mưa lũ để các em yên tâm tới trường. Em Nguyễn Tuấn Kiệt, lớp 10A2, Trường THPT Na Hang cho biết, em và 12 bạn học sinh đã được nhà trường tặng sách giáo khoa mới.

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở Tuyên Quang được ngành giáo dục chủ động triển khai. Đến ngày 14/9/2024, toàn tỉnh đã có 450/456 trường cho học sinh đi học trở lại. Một số trường không bị thiệt hại do mưa lũ đã cho học sinh đến trường từ ngày 11/9. Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại nặng để kịp thời khắc phục khó khăn, tổ chức giảng dạy, học tập bảo đảm an toàn, chất lượng.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các trường khắc phục hậu quả, nhất là hỗ trợ kịp thời đối với các thầy, cô giáo, học sinh bị thiệt hại do mưa lũ và có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, ngành giáo dục tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh.